Laocaitv.vn - Nước là nguồn tài nguyên vô cùng quý giá, vì vậy việc quản lý khai thác nguồn tài nguyên này như thế nào cho có hiệu quả đã được tỉnh Lào Cai quan tâm và triển khai thực hiện. Thủy điện là ngành sản xuất kinh doanh sử dụng nguồn tài nguyên nước lớn nhất hiện nay, hiện trên địa bàn tỉnh Lào Cai có khoảng 130 công trình thủy điện, trong đó 47 dự án thủy điện đã hoàn thành và đi vào vận hành sử dụng.
Hồ chứa nước Nhà máy thủy điện Bắc Hà
Nhà máy thủy điện Bắc Hà, công trình có công suất lớn nhất trên địa bàn tỉnh Lào Cai, nhà máy được xây dựng trên thượng nguồn sông Chảy có công suất 90 MW với 2 tổ máy, khởi công năm 2004 hoàn thành năm 2012, hồ chứa của nhà máy kéo dài trên 40 km từ xã Cốc Ly lên đến huyện Si Ma Cai, dung tích khoảng 171 triệu m3, diện tích lưu vực trên 3.400 km2. Với một công trình lớn như vậy thì đồng nghĩa với việc tác động rất lớn đến môi trường như: Làm biến đổi dòng chảy, mạch nước ngầm và sạt lở bờ sông là không tránh khỏi, vì vậy việc kiểm tra, giám sát, tuân thủ các quy định pháp luật về quản lý khai thác nguồn tài nguyên nước đối với nhà máy thời gian qua đã được ngành tài nguyên môi trường chú trọng. Thông qua các văn bản chỉ đạo, các cuộc kiểm tra, các thiết bị quan trắc, giám sát chế độ vận hành, điều tiết lượng nước… Nhờ đó, sản xuất kinh doanh của nhà máy từng bước đi vào ổn định hiệu quả, bền vững. Ông Nguyễn Tiến Vương, Trưởng Phòng kỹ thuật vận hành Nhà máy thủy điện Bắc Hà cho biết: "Công ty chúng tôi đã phối hợp với Trung tâm điều độ hệ thống điện Quốc gia phát tối đa công suất lên lưới điện quốc gia. Chúng tôi đã thực hiện đầy đủ các quy định hiện hành như xin cấp giấy phép tài nguyên nước, chấp hành nghiêm các quy định về quản lý hồ, đập, cũng như khai thác tổng hợp tài nguyên vùng hồ chứa theo quy định UBND tỉnh Lào Cai".
Trong những năm qua, Ủy ban nhân dân tỉnh Lào Cai đã ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành pháp luật về tài nguyên nước của tỉnh tạo cơ sở pháp lý cho công tác quản lý nhà nước về tài nguyên nước tại địa phương, từng bước nâng cao được hiệu quả trong công tác quản lý về tài nguyên nước. Từ năm 2010 đến nay, tỉnh Lào Cai đã cấp 165 giấy phép và gia hạn 13 giấy phép, cấp lại 29 giấy phép các loại về khai thác, sử dụng nguồn tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước với các quy định về trình tự, thủ tục hành chính, không hoạt động khai thác, sử dụng nước, xả nước thải vào nguồn nước không có giấy phép theo quy định. Sở TN&MT tỉnh đã tổ chức hội nghị hướng dẫn cho 250 người và 150 đơn vị tham dự về công tác cấp quyền khai thác tài nguyên nước. Đến nay, tỉnh đã phê duyệt được 23 quyết định với tổng số tiền phê duyệt là trên 33 tỷ đồng và 32 quyết định do Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt cho các dự án hoạt động khai thác, sử dụng nước mặt. Hiện nay, sở đang tiếp tục thẩm định, đôn đốc các đơn vị thực hiện, tổng số tiền thu vào ngân sách hàng năm khoảng 20 tỷ đồng, đồng thời sẽ triển khai nhiều biện pháp quyết liệt giảm thiểu những tác động, quản lý khai thác bền vững nguồn tài nguyên nước.
Tình trạng xây bể chứa nước xong không sử dụng gây lãng phí
Tuy nhiên, theo đánh giá của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh thì hiện nay việc chấp hành pháp luật về tài nguyên nước trong hoạt động khai thác, sử dụng nước của các dự án thủy điện là chưa thực sự nghiêm túc. Việc giám sát của cấp chính quyền cơ sở (UBND xã) chưa được thường xuyên, mặt khác lưu lượng nước đến của các dự án thủy điện được xác định theo các phương pháp tính toán khác nhau và được tính toán với các cơ sở dữ liệu của chuỗi các năm về trước, do đó chưa phản ánh được lưu lượng thực tế của các nguồn nước… Đây là những yếu tố gây ảnh hưởng rất lớn đến chế độ thủy văn của các nguồn nước như: Lưu lượng nước về mùa mưa tăng về lưu lượng, biên độ lũ, thời gian lũ giảm, về mùa khô lưu lượng kiệt giảm, thời gian kéo dài hơn.
Vấn đề thiếu nước phục vụ sinh hoạt và sản xuất trong mùa khô vẫn diễn ra ở nhiều nơi
Theo lãnh đạo Công ty cổ phần nước Lào Cai thì việc quản lý khai thác, kinh doanh theo hướng bền vững nguồn tài nguyên nước thời gian qua được công ty hết sức quan tâm thông qua nhiều giải pháp như tuyên truyền cho khách hàng việc tiết kiệm nước, nâng cấp hạ tầng cấp nước, xử lý nước. Tuy nhiên nguy cơ thách thức suy giảm về trữ lượng, chất lượng, tranh chấp nguồn tài nguyên nước vẫn là vấn đề lo ngại cần sự quan tâm vào cuộc của cả cộng đồng. Mặc dù, tỉnh Lào Cai được đánh giá có nguồn nước khá phong phú, nhưng vấn đề thiếu nước phục vụ sinh hoạt và sản xuất trong mùa khô vẫn diễn ra ở nhiều nơi, đặc biệt ở các khu vực huyện như: Mường Khương, Bắc Hà, Si Ma Cai, Bát Xát, Sa Pa, Văn Bàn... Quá trình phát triển kinh tế, đô thị hóa đang phát triển khá nhanh, hoạt động sản xuất kinh doanh, thương mại, giao thông phát triển mở rộng, các khu dân cư, chợ, bệnh viện, ở khu vực nông thôn, các loại hóa chất độc hại như: Phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc diệt cỏ… đang trở thành nguồn nguy hại lớn cho con người và sinh vật sống trong nước. Ông Lê Ngọc Dương, Phó Giám đốc, Sở TN&MT tỉnh Lào Cai cho biết: "Trước mắt phải tích cực tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân, của doanh nghiệp và cả cộng đồng trong việc khai thác sử dụng tài nguyên nước một cách hiệu quả, hợp lý, bền vững lâu dài. Sở TN&MT tỉnh sẽ tiếp tục tham mưu trình UBND tỉnh các kế hoạch, quy hoạch khai thác sử dụng nguồn nước và có các cảnh báo về ô nhiễm nguồn nước, an toàn hồ, đập, bão lũ gây ra. Cần đầu tư thỏa đáng hơn cho công tác quản lý bảo vệ nguồn nước, phát triển rừng. Đẩy mạnh hợp tác quốc tế, có các buổi đàm phán, làm việc với Trung Quốc để chia sẻ lợi ích nguồn nước và bảo vệ nguồn nước hài hòa hợp lý trên các sông chảy qua biên giới".
Nước sạch là sự sống còn đối với đời sống con người, vì vậy, cần phải có những biện pháp bảo vệ nguồn tài nguyên nước khỏi bị suy thoái, cạn kiệt. Trong đó sự chung tay của cả cộng đồng, mỗi doanh nghiệp, mỗi người dân là rất quan trọng để bảo vệ và sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên thiên nhiên quý giá này.
Thế Văn- Tiến Dũng
Bình luận
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết