Lào Cai hướng tới phát triển bền vững cây dược liệu

10:06 22-09-2020 | :1693

Laocaitv.vn - Với những lợi thế về điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng, cây dược liệu hiện đang trở thành một trong những cây trồng chủ lực mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho người dân, nhất là ở các xã vùng cao, vùng khó khăn trên địa bàn tỉnh. Một trong những yếu tố góp phần vào thành công đó là do Lào Cai đã quan tâm thực hiện hiệu quả việc phê duyệt quy hoạch phát triển dược liệu đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030.

Để phát triển bền vững cây dược liệu, tỉnh Lào Cai đã chỉ đạo các địa phương từng bước khôi phục, phát triển các loài dược liệu như: Giảo cổ lam, chè dây, đẳng sâm, ý dĩ, bạch truật, độc hoạt, nhóm cây thuốc tắm của người Dao đỏ…; đồng thời có cơ chế, chính sách thu hút các tổ chức, cá nhân tham gia phát triển cây dược liệu giai đoạn 2019 - 2020.

Đến nay, Lào Cai có 4 loại cây dược liệu được sản xuất tập trung là atiso, chè dây, đương quy và xuyên khung, đã được Bộ Y tế công nhận đạt các nguyên tắc, tiêu chuẩn "Thực hành tốt trồng trọt và thu hái cây thuốc" theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới. Trên địa bàn tỉnh hiện có 10 công ty, doanh nghiệp, hợp tác xã, cá nhân tham gia liên kết sản xuất thu mua sản phẩm dược liệu, hằng năm thu mua trên 3.000 tấn sản phẩm các loại.

Theo ông Đỗ Tiến Sỹ, Giám đốc Công ty TNHH MTV Traphaco Sa Pa, để phát triển bất kỳ một loại dược liệu, thảo dược nào cũng cần phải quy hoạch vùng trồng cụ thể, rõ ràng; bên cạnh đó, định hướng phát triển thị trường cũng đóng vai trò mang tính chất quyết định trong việc phát triển bền vững vùng dược liệu.

Ông Đỗ Tiến Sỹ hướng dẫn một hộ dân ở Bát Xát chăm sóc cây chè dây.

Để tiếp tục nâng cao hiệu quả kinh tế của cây dược liệu, hiện nay tỉnh Lào Cai đang từng bước xây dựng thương hiệu và cấp mã cho các vùng trồng cây dược liệu; hướng dẫn các đơn vị sản xuất, kinh doanh cây dược liệu đăng ký mã số, mã vạch để đảm bảo truy xuất nguồn gốc; tăng cường quảng bá, xúc tiến thương mại cho các sản phẩm dược liệu gắn với thực hiện mỗi xã một sản phẩm, tạo ra sản phẩm mang đặc trưng Lào Cai.

Đến năm 2030, Lào Cai phấn đấu có 3.500 ha cây dược liệu và tập trung phát triển 22 chủng loại dược liệu chính, sản lượng khoảng trên 11.000 tấn/năm; định hướng phát triển mở rộng vùng trồng dược liệu, cung cấp nguyên liệu dược cho các công ty, tập đoàn chế biến dược trong nước.

Vùng trồng atiso tại Sa Pa.

Ông Tô Mạnh Tiến, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: "Hiện nay, chúng tôi đã tạo các vùng phát triển dược liệu ở Bắc Hà, Bát Xát và Sa Pa; đồng thời thu hút các doanh nghiệp đến đầu tư để liên kết tiêu thụ nguyên liệu dược liệu cho người nông dân. Mục tiêu cuối cùng là những diện tích mà người dân tham gia phát triển dược liệu phải đạt được giá trị cao nhất từ 120 đến 150 triệu đồng/ha. Từ đó mới khuyến khích được người dân và ổn định được vùng nguyên liệu để đáp ứng yêu cầu cho sản xuất trong giai đoạn tới”.

Với những định hướng phù hợp, tỉnh Lào Cai đang hướng tới mục tiêu phát triển cây dược liệu bền vững và hiệu quả, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở những vùng khó khăn.

  Mai Huệ - Minh Dũng


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết