Lào Cai nhiều tiềm năng phát triển cây dược liệu

17:22 12-08-2020 | :1150

Laocaitv.vn - Được thiên nhiên ưu đãi về khí hậu, thổ nhưỡng, Lào Cai có nhiều điều kiện thuận lợi cho việc phát triển cây dược liệu. Đây chính là cơ sở để tỉnh Lào Cai được Chính phủ quy hoạch là vùng trồng cây dược liệu của Việt Nam với mục tiêu phát triển lên đến hàng nghìn ha vào những năm tới.

Hơn 10 ha cây cát cánh được bà con thôn Lả Gì Thàng, xã Tả Van Chư trồng tập trung liền một dải tạo nên thung lũng dược liệu lớn nhất của tỉnh.

Từ 3 năm nay, anh Sùng Seo Pao ở thôn Lả Gì Thàng, xã Tả Van Chư, huyện Bắc Hà dành toàn bộ đất trồng ngô của gia đình để trồng cây cát cánh. Tuy công chăm sóc phải bỏ ra nhiều hơn, nhưng đổi lại, sản phẩm cát cánh của gia đình anh Pao được thu mua ngay tại nương với giá cam kết tối thiểu là 25.000 đồng/kg. Nửa ha đất trồng ngô trước đây chỉ cho thu nhập khoảng 20 triệu đồng thì nay cho thu nhập lên đến 70 triệu đồng sau khi trừ toàn bộ chi phí, với anh Pao cũng như nhiều hộ dân Lả Gì Thàng thì chưa khi nào bà con có được nguồn thu nhập tốt như khi chuyển sang trồng cây cát cánh.

Mô hình trồng cây cát cánh mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân Bắc Hà.

Tính đến hết tháng 6/2020, diện tích trồng dược liệu toàn tỉnh là 2.264 ha, đạt 119% so với mục tiêu của quy hoạch đến năm 2020. Trong đó, có 76 ha đang áp dụng thực hành tốt trồng trọt và thu hái cây thuốc của Tổ chức Y tế thế giới. Việc trồng dược liệu ở Lào Cai đã tăng diện tích gấp 200%, sản lượng tăng gấp 5 lần so với kế hoạch đề ra sau hội nghị của Chính phủ về phát triển dược liệu Việt Nam được tổ chức tại Lào Cai vào tháng 5/2017.

Tỉnh đang nỗ lực liên kết phát triển, mở rộng các vùng sản xuất cây dược liệu.

Lào Cai là tỉnh nằm trong quy hoạch phát triển dược liệu của Chính phủ. Vì vậy, địa phương đang quy hoạch phát triển dược liệu từ nay đến năm 2030 với quy mô lên đến hàng nghìn ha. Đồng thời, tỉnh cũng sẽ khôi phục và phát triển các loại cây dược liệu có thế mạnh. Dự án trồng cây dược liệu theo quy trình công nghệ cao được thực hiện nhằm khai thác thế mạnh về đất đai, khí hậu, nguồn gen cây thuốc quý sẵn có trên địa bàn.

Hiện, tất cả các sản phẩm dược liệu đều đã có hợp đồng thu mua nên đã tạo được sự yên tâm cho nông dân. Nhờ vậy thời gian tới, việc trồng cây dược liệu sẽ giúp người dân nâng cao hệ số sử dụng đất, và có nhiều điều kiện nâng cao thu nhập, xây dựng nông thôn mới.

Ngọc Hà – Xuân Anh


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết