Lào Cai với khát vọng kết nối Trục động lực dọc sông Hồng

15:12 03-04-2022 | :599

Laocaitv.vn - Theo Quy hoạch tỉnh Lào Cai thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh Lào Cai sẽ tập trung phát triển Trục kinh tế động lực dọc sông Hồng. Đây là trục kinh tế đóng vai trò “hạt nhân” đối với liên kết không gian phát triển kinh tế của tỉnh; kết nối vùng, liên vùng và cả nước với khu vực Tây Nam - Trung Quốc. Bắt đầu chảy vào Việt Nam từ Lũng Pô, Sông Hồng đoạn qua địa phận tỉnh Lào Cai có chiều dài 128 km. Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng: Nền văn minh rực rỡ hàng nghìn năm của người Việt gắn liền với sông Hồng. Từ xa xưa, trên dòng sông này đã hình thành các hệ sinh thái gắn liền với đời sống của người Việt.

Vai trò sông Hồng trong sự phát triển của Lào Cai.

Thôn Lũng Pô - nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt.

Thôn Lũng Pô, xã A Mú Sung - nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt. Từ đây, dòng nước nặng đỏ phù sa vươn ra biển lớn, bồi đắp thêm những giá trị vật chất và tinh thần cho vùng châu thổ đồng bằng. PGS. TS Trần Thị An, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết: “Nói đến dòng chảy sông Hồng, trước hết phải nói tới đó là một dòng chảy địa lý, hình thành nên hệ sinh thái tự nhiên và hệ sinh thái văn hóa. Hệ sinh thái tự nhiên là tất cả việc trồng cấy, canh tác nông nghiệp. Hệ sinh thái xã hội là hoạt động giao thương, buôn bán, giao lưu và hệ sinh thái văn hóa là đời sống tâm linh, tín ngưỡng của người dân. Chính vì vậy sông Hồng trở thành chứng nhân, tác nhân và nhân tố hết sức quan trọng trong đời sống của người Việt”.

Trải qua thăng trầm của lịch sử, tháng 10 năm 1991, tỉnh Lào Cai được tái lập. Tiêu điều, xác xơ, cái đói, cái nghèo hiện hữu khắp nơi. Các công trình hạ tầng, đường xá giao thông đều hư hỏng nặng do hậu quả của chiến tranh. Và đặc biệt là trung tâm tỉnh lỵ chưa có, một bài toán khó đặt ra cho chính quyền và Nhân dân Lào Cai.

Tỉnh Lào Cai ngày tái lập, tiêu điều, xác xơ, cái đói, cái nghèo hiện hữu khắp nơi. 

Với những luận cứ xác đáng, với tầm nhìn chiến lược, trung tâm tỉnh lỵ của tỉnh đã được lựa chọn đặt tại thị xã Lào Cai cũ, bên dòng sông Hồng và dòng sông Nậm Thi thơ mộng. Qua đó, tạo thuận lợi cho việc giao thương, đối ngoại và phát triển đô thị sau này. Ông Nguyễn Quý Đăng, Nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai cho biết: “Ở đây là sông Hồng, sông thơ là Nậm Thi, giao cắt nhau tạo thành ngã ba, rất thơ mộng, chỗ đấy đặt cửa khẩu là đúng".Tiếp nối tầm nhìn chiến lược của các thế hệ đi trước, Lào Cai đã sáng tạo, lồng ghép hài hòa các nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng để phát triển, rộng mở không gian các đô thị cả chiều dọc và chiều ngang xuôi theo sông Hồng. Khu đô thị mới Lào Cai – Cam Đường được hình thành, dành lại không gian cho nửa đô thị cũ phát triển mạnh mẽ về kinh tế cửa khẩu, thương mại và dịch vụ, với những khu phố chuyên doanh sầm uất, bừng sáng lên nhịp sống của một đô thị ven biên. Ông Bùi Quang Vinh, Nguyên Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Nguyên Bí thư Tỉnh ủy Lào Cai cho biết: “Một tư tưởng rất lớn, chúng ta phải góp phần biến Lào Cai từ một điểm cuối cùng của đường hầm trở thành đầu cầu của ánh sáng. Nghĩa là chúng ta là đầu cầu của sự kết nối, hợp tác”.

 

Tỉnh Lào Cai đã đề ra nhiều giải pháp đẩy mạnh phát triển kinh tế, xã hội quyết liệt, hiệu quả. 

Hơn 30 năm sau ngày tái lập tỉnh, với tầm nhìn chiến lược, bài bản trong công tác quy hoạch của tỉnh, thị xã nhỏ bé ven biên năm xưa giờ đã bừng sáng lên nhịp sống của đô thị hiện đại, thành phố văn minh, cửa ngõ giao thương và hội nhập kinh tế của đất nước. 

Sức lan toả của Trục kinh tế động lực dọc sông Hồng.

Bản đồ Định hướng phát triển KT-XH tỉnh Lào Cai, giai đoạn 2021 - 2030.

Với quan điểm đặt sự phát triển của Lào Cai trong sự phát triển của khu vực và đất nước; thực hiện Nghị quyết 11 của Bộ chính trị về phát triển kinh tế - xã hội vùng trung du, miền núi Bắc Bộ, với việc Lào Cai là một cực tăng trưởng, Quy hoạch tỉnh Lào Cai thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 xác định: Trục kinh tế động lực dọc sông Hồng đóng vai trò là “hạt nhân” đối với liên kết không gian phát triển cho hai cực phát triển; ba vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh.

Bản đồ quy hoạch Trục kinh tế động lực dọc sông Hồng theo hướng Bắc – Nam với hai cực phát triển và ba vùng kinh tế quan trọng của tỉnh. Trong đó, vùng trung tâm gồm TP Lào Cai, Bảo Thắng và một phần của huyện Bát Xát; tập trung phát triển công nghiệp, dịch vụ – thương mại mà trọng tâm là kinh tế cửa khẩu. Vùng thấp gồm các huyện Văn Bàn, Bảo Yên; tập trung phát triển kinh tế nông lâm nghiệp, du lịch. Vùng cao gồm các huyện Bắc Hà, Si Ma Cai, Mường Khương; TX Sa Pa và một phần của huyện Bát Xát; tập trung phát triển các sản phẩm nông nghiệp đặc hữu, du lịch nghỉ dưỡng, khám phá thiên nhiên, văn hoá tộc người…

Theo định hướng quy hoạch, Trục động lực phát triển dọc sông Hồng kết nối với 9 tỉnh, thành phố ở hạ lưu; trùng với hành lang kinh tế Côn Minh – Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh. Nội hàm là quy hoạch, xây dựng kết cấu hạ tầng, chuỗi đô thị, các trung tâm sản xuất, dịch vụ có vai trò liên kết 3 vùng kinh tế của tỉnh, kết nối vùng, liên vùng. Đồng chí Đặng Xuân Phong, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lào Cai cho biết: “Lào Cai đã xác định nhiệm vụ trọng tâm trong quy hoạch đó. Trước hết là một trục dọc sông hồng xuyên suốt từ Lũng Pô đến hết địa phận tỉnh Lào Cai với chiều dài khoảng 128 km. Hai cực tăng trưởng, một cực gắn liền với cửa khẩu, biên giới gắn liền với đối ngoại với nước bạn Vân Nam. Một cực phía Nam dọc theo tuyến hành lang kinh tế Côn Minh – Hải Phòng – Quảng Ninh”.

Kinh tế cửa khẩu của Lào Cai phát triển mạnh mẽ.

Ba vùng kinh tế gắn với Trục động lực dọc Sông Hồng, đảm bảo mối liên kết, gắn kết và phát triển hài hoà về kinh tế, văn hoá, xã hội. Đồng thời phát huy tiềm năng, lợi thế của các vùng trong tỉnh đối với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm cân bằng về lợi ích kinh tế với an sinh xã hội. Bà Nguyễn Như Quỳnh, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND phường Xuân Tăng, TP Lào Cai cho biết: “Hạ tầng giao thông dọc sông Hồng thay đổi diện mạo, thúc đẩy kinh tế địa phương”.

Anh Lê Việt Dũng, tổ dân phố số 3, thị trấn Phố Lu, huyện Bảo Thắng chia sẻ: "Chúng tôi mong muốn sau này tiếp tục thay đổi về cơ sở hạ tầng, ví dụ như nhà hàng hay dịch vụ để tạo thêm việc làm cho người dân”.

Trong tương lai không xa, với hệ thống giao thông gồm 4 loại hình đường hàng không, đường thủy, đường sắt và đường bộ cùng hội tụ sẽ tạo ra dư địa lớn để các địa phương dọc hai bên bờ sông Hồng thu hút đầu tư. Đó thực sự là những hạ tầng mang tính đột phá để Lào Cai vững tin bước vào tương lai.

Khát vọng kết nối "Trục động lực dọc sông Hông" .

Phương án quy hoạch chung dọc sông Hồng hoàn thiện sẽ là “chìa khóa” để khai thông và sử dụng hiệu quả các nguồn lực cho phát triển KT-XH cả hiện tại và tương lai. 

Phương án quy hoạch chung dọc sông Hồng của tỉnh không chỉ lĩnh hội thành tựu của các nước phát triển, mà còn đảm bảo phù hợp với hiện trạng của sông Hồng, có khả năng mở rộng, kết nối liên vùng trong giai đoạn tới.

Tư duy mới về quy hoạch Trục động lực dọc sông Hồng, gắn với phát triển các đô thị “xanh”, phát triển không gian công cộng và xây dựng thêm các kết cấu hạ tầng đã được Lào Cai nghiên cứu phù hợp với thực tiễn. Thông qua việc phát triển Trục động lực sông Hồng và hai cực phát triển, tỉnh Lào Cai kỳ vọng sẽ sớm hiện thực hóa sáng kiến kết nối và lan tỏa các địa phương dọc sông Hồng. Tạo ra một xung lực phát triển, trục động lực này thành trở thành điểm thu hút đầu tư, giao thương kinh tế, văn hoá, kết nối nhân sinh. tạo ra một hệ sinh thái đa dạng, trong đó con người là trung tâm của sự phát triển. Đồng chí Trịnh Xuân Trường, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai cho biết: “Nếu kết nối được 510 km dọc tuyến sông Hồng thì thực chất đấy là trục động lực, cơ chế liên kết vùng. Hiện chúng ta đang thiếu tính liên kết vùng và đúng là chung dòng sông, cùng ý tưởng”.

Theo các chuyên gia xây dựng, phương án quy hoạch chung dọc sông Hồng khi được các địa phương hoàn thiện và triển khai sẽ là “chìa khóa” để khai thông và sử dụng hiệu quả các nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội cả hiện tại và tương lai. KTS Phạm Thanh Tùng, Chánh Văn phòng Hội Kiến Trúc Sư Việt Nam cho biết: “Sông Hồng được gọi là dòng sông Mẹ, nếu chung ta không chung tay, có liên kết giữ gìn cho môi trường dòng sông tốt lên thì sông Hồng không bị bức tử chỗ này thì bức tử chỗ khác. Sông Hồng còn là mạch của cuộc sống, của dân tộc, chúng ta phải biết chân quý cái đó. Việc phát triển đô thị hai bên bờ sông sẽ rất là tốt, sẽ đáp ứng được nhu cầu phát triển của đất nước trong thời kỳ mới”.

Kết cấu hạ tầng đã được Lào Cai nghiên cứu phù hợp với thực tiễn.

Người Lào Cai hôm nay đang nỗ lực không ngừng để kiến tạo nên một một cuộc tốt đẹp hơn. Việc trục động lực khởi phát từ nơi đầu nguồn sông Mẹ sẽ là cơ hội để mở ra không chỉ cho Lào Cai mà vùng một tương lai rạng ngời hơn.

Nhóm PV


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết