Lợi ích kép từ trồng dược liệu dưới tán rừng

11:07 15-11-2020 | :970

Laocaitv.vn - Thời gian gần đây, mô hình trồng dược liệu dưới tán rừng đang được huyện Bắc Hà đặc biệt quan tâm và định hướng cho bà con nông dân. Thông qua mô hình này, bà con không chỉ nâng cao được hiệu quả kinh tế, cải thiện đời sống mà hoạt động bảo vệ, phát triển rừng ở địa phương cũng có nhiều thuận lợi hơn.

Mô hình trồng cây tam thất dưới tán rừng của anh Sùng Seo Thìn (trái ảnh) đã và đang mang lại hiệu quả kinh tế khá ổn định.

Vườn tam thất của gia đình anh Sùng Seo Thìn ở thôn Ngải Số, xã Nậm Mòn, huyện Bắc Hà so với cùng trà tam thất của các hộ gia đình khác thì những cây tam thất trong vườn nhà anh cứng cáp và xanh tốt hơn hẳn. Bên cạnh được lựa chọn trồng ở vùng đất tơi xốp, được chăm sóc đầy đủ, việc sinh trưởng mạnh khỏe của vườn tam thất này còn xuất phát từ lợi thế là được trồng dưới tán rừng thông đã hơn chục năm tuổi nên luôn có độ ẩm cần thiết, không bị ảnh hưởng của nắng gắt hay trời mưa lớn.

Hiện nay, cây tam thất ngoài việc để thu hoa và củ thì anh Sùng Seo Thìn còn mạnh dạn liên kết với một số nhà đầu tư nghiên cứu và thành công trong việc sản xuất tam thất giống, đáp ứng nhu cầu của bà con nông dân ở các tỉnh thành trong cả nước, qua đó, vừa nâng cao hiệu quả kinh tế cho gia đình đồng thời tạo thêm việc làm cho nhiều lao động tại địa phương. Nhờ trồng cây tam thất dưới tán rừng, anh Thìn còn góp phần quan trọng trong việc cùng lực lượng chức năng bảo vệ để rừng khỏi bị chặt phá.

Trên cơ sở lợi ích kép của một số mô hình trồng dược liệu dưới tán rừng, những năm gần đây, huyện Bắc Hà đang tích cực tuyên truyền, vận động, định hướng để bà con nông dân vừa tích cực trồng rừng kinh tế đồng thời khoanh nuôi, bảo vệ phát triển tán rừng để trồng các loại dược liệu phù hợp nâng cao hiệu quả kinh tế.

Tỷ lệ che phủ rừng của địa phương tăng từ 31,6% năm 2011 lên 40,5% năm 2020.

"Trong giai đoạn tới, chúng tôi sẽ tiếp tục tập trung vào các giải pháp bảo vệ rừng một cách bền vững, nhưng lồng ghép với việc bảo vệ phát triển rừng đó là vừa giữ hiện trạng rừng, nâng tỷ lệ che phủ, đảm bảo phát triển kinh tế ổn định cho người dân, gắn việc tận dụng tán rừng trồng hiện có để phát triển các loại dược liệu hướng tới phát triển kinh tế lâm nghiệp bền vững", ông Trần Quang Đại, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Bắc Hà nói.

Cùng chính từ những giải pháp sáng tạo tương tự mà sau hơn 10 năm, huyện Bắc Hà đã trồng mới được gần 9.500 ha rừng, thực hiện hỗ trợ chăm sóc gần 1.000 ha rừng trồng thay thế đất nương rẫy, đồng thời triển khai việc giao khoán, quản lý, bảo vệ phát triển rừng một cách hiệu quả. Cụ thể, tỷ lệ che phủ rừng của địa phương tăng từ 31,6% năm 2011 lên 40,5% năm 2020. Đây là kết quả đáng mừng trong nhiệm vụ chống nguy cơ sa mạc hóa, bảo vệ rừng của địa phương.

Quang Thuận


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết