Mường Khương – Bài học kinh nghiệm từ sản xuất nông nghiệp hàng hóa

15:29 07-11-2024 | :45

 

Laocaitv.vn - Sau nhiều năm nỗ lực phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa, huyện Mường Khương đã xây dựng được các vùng cây trồng chủ lực và tiềm năng lên tới gần 11.700 ha, mỗi năm đem lại thu nhập từ 1.000 – 1.200 tỷ đồng, giúp hàng nghìn hộ nông dân giảm nghèo bền vững. Những kinh nghiệm thành công của địa phương trong sản xuất nông nghiệp hàng hoá sẽ được chúng tôi đề cập trong phóng sự sau.

Trồng chè thâm niên gần 20 năm nay, chị Thảo khẳng định từ khi liên kết sản xuất với Hợp tác xã chè Mường Khương, chị không lo đầu ra nữa. Đầu tư chế biến chè búp khô, mỗi năm hợp tác xã thu mua tới hơn 10.000 tấn chè búp tươi, đem lại nguồn thu nhập ổn định cho hàng nghìn hộ dân.

Đầu tư chế biến chè búp khô, mỗi năm hợp tác xã thu mua tới hơn 10.000 tấn chè búp tươi, đem lại nguồn thu nhập ổn định cho hàng nghìn hộ dân.

Chị Đặng Thị Thảo, thôn Tảo Giàng, xã Lùng Vai, huyện Mường Khương chia sẻ: “Về đầu ra chúng tôi không phải lo gì cả, bởi vì đã có người thu mua rồi. Chúng tôi chỉ việc hái xong mang đến cân thôi”.

Ông Nguyễn Quốc Quân, Phó Giám đốc HTX chế biến chè Mường Khương, huyện Mường Khương cho biết: “Xây dựng các chuỗi liên kết bền vững. Thứ nhất về giá cả thì thu mua cho bà con từ 7.000 – 8.000 đồng/kg đối với chè đủ tiêu chuẩn. Thứ hai đối với bà con vùng sâu, vùng xa thì hỗ trợ xăng xe, đảm bảo giá thu mua ngang bằng như ngay tại nhà máy”.

Mỗi người dân cũng nỗ lực nâng cao giá trị sản xuất khi chủ động học tập và biết áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào canh tác, dần thay đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp đơn thuần sang kinh tế nông nghiệp. Mô hình du lịch trải nghiệm tại vườn quýt đặc sản gần 4.000 gốc (ảnh dưới) là điển hình như vậy.

Mô hình du lịch trải nghiệm tại vườn quýt đặc sản gần 4.000 gốc của chị Sủi là mô hình thay đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp đơn thuần sang kinh tế nông nghiệp.

Chị Lò Dìn Sủi, thôn Lao Chải, thị trấn Mường Khương, huyện Mường Khương nói: “Em có mang ra chợ bán thì khách ra ăn thử, ăn ngon xong rồi khách bảo dẫn đến tận vườn để ăn thử, hái trải nghiệm. Biết vườn tại đây thì mỗi năm đến mùa quýt khách lại đến”.

Đặc biệt, Mường Khương chủ động tháo gỡ các nút thắt để phát triển nông nghiệp hàng hóa nhất là thu hút doanh nghiệp, hợp tác xã liên kết với nông dân sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Đến nay, huyện đã thu hút được 5 nhà đầu tư xây dựng 5 nhà máy chế biến chè, dứa, thịt lợn đen với tổng mức đầu tư hơn 85 tỷ đồng. Dự kiến cuối năm, sẽ có thêm 2 nhà máy chế biến chè được xây dựng tại thị trấn Mường Khương và xã Lùng Khấu Nhin.

Ông Lê Thanh Hoa, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mường Khương cho biết thêm: “Chúng tôi lấy doanh nghiệp, hợp tác xã tiêu thụ sản phẩm làm vai trò là đầu tàu. Các doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm tốt cho người dân và các sản phẩm nông nghiệp hàng hóa người dân sản xuất ra, tiêu thụ thuận lợi, được giá, đảm bảo kinh tế thì người dân sẽ làm theo”.

Đến nay, huyện Mường Khương đã thu hút được 5 nhà đầu tư xây dựng 5 nhà máy chế biến chè, dứa, thịt lợn đen 

Với những cách làm sáng tạo, các vùng sản xuất hàng hóa của Mường Khương không chỉ được mở rộng về diện tích mà ngày càng nâng cao về chất lượng. Đây là điều kiện để địa phương thu hút nhiều hơn nữa các doanh nghiệp, Hợp tác xã đầu tư chế biến sâu nông sản, nâng cao chất lượng các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hoá, đáp ứng đòi hỏi của các thị trường xuất khẩu khó tính.

An Hồng – Trần Tuấn


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết