Mường Khương tạo bước đột phá từ những vùng sản xuất hàng hóa

16:27 04-01-2021 | :785

Laocaitv.vn - Đại hội Đảng bộ huyện Mường Khương nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã xác định “Phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, an toàn, nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm gắn với giảm nghèo nhanh và bền vững, đặc biệt là các xã có tỷ lệ hộ nghèo cao” là một trong những bước đột phá trong cả nhiệm kỳ. Bởi vậy mà ngay từ những ngày đầu, tháng đầu của nhiệm kỳ mới, địa phương này đã bắt tay vào thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra.

Nông dân Bản Lầu thu hoạch quả dứa.

Trong nhiệm kỳ trước, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện đã ban hành 5 đề án liên quan đến nông nghiệp, nông thôn, nông dân. Các vùng chuyên canh của Mường Khương đã được hình thành một cách rõ nét. Tiêu biểu như tại xã Bản Lầu, vẫn được coi là vựa chuối, vựa dứa lớn nhất của tỉnh với trên 800 ha dứa và trên 500 ha chuối đang cho thu hoạch. Nhờ cây chuối, cây dứa nhiều nông dân Bản Lầu đã vươn lên xóa được đói, giảm được nghèo, trở thành hộ khá, hộ giàu. Từ kết quả đó, nhiệm kỳ này sẽ có những định hướng mới để phát triển vùng chuyên canh đạt hiệu quả cao hơn. Ông Dương Hồng Trung, Bí thư Đảng ủy xã Bản Lầu, huyện Mường Khương cho biết: “Chúng tôi không tập trung mở rộng diện tích mà quan tâm đi vào chiều sâu. Cụ thể như cây dứa thì sẽ tập trung vào kĩ thuật, đưa vào các giống, phân bón mới và hứa hẹn sản lượng sẽ nâng cao hơn so với bây giờ”.

Cùng với cây chuối, cây dứa, đến nay huyện Mường Khương đã tạo được vùng nguyên liệu lớn đối với các loại cây, như chè, quýt, gạo séng cù, ớt… Giai đoạn 2016 - 2020 toàn huyện trồng mới gần 1.200 ha chè, nâng tổng diện tích chè toàn huyện đến năm 2020 đạt trên 3.400 ha. Chỉ tính 10 tháng năm 2020 sản lượng chè búp tươi toàn huyện đã đạt trên 17.600 tấn, giá trị đạt gần 113 tỷ đồng. Hay như cây quýt, tổng diện tích cây quýt của toàn huyện là hơn 650 ha, trong đó có gần 300 ha cho thu hoạch. Với giá bán bình quân 12.000 - 18.000 đồng/kg, trong 10 tháng của năm 2020, bà con nông dân cũng thu được gần 6,2 tỷ đồng. Ông Lê Thanh Hoa, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mường Khương cho biết: “Chúng tôi vốn đã có cái nền nên giai đoạn tới sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ hơn nữa. Ngành Nông nghiệp sẽ tập trung vào việc xây dựng các vùng chuyên canh, nâng cao chất lượng sản phẩm đáp ứng nhu cầu của các đối tác, như quy cách sản phẩm, mã số vùng trồng, tem truy xuất nguồn gốc”.

Quả quýt được coi là đặc sản của huyện Mường Khương nói riêng và tỉnh Lào Cai nói chung.

Cùng với mở rộng sản xuất, duy trì và nâng cao chất lượng hàng hóa, hiện tại Mường Khương đang chú trọng vào việc thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào chế biến, liên kết tiêu thụ. Ông Tô Việt Thành, Phó Chủ tịch UBND huyện Mường Khương cho biết: “Muốn sản phẩm tới được tay người tiêu dùng thì phải có liên kết và thông qua các doanh nghiệp. Hiện tại đã có nhà máy chế biến rau quả tại xã Lùng Vai, dự kiến trong tháng 1 này sẽ đưa vào vận hành. Cùng với đó, cũng có một số doanh nghiệp chế biến chè xuất nhập khẩu hoạt động hiệu quả”.

Một bức tranh tươi sáng về nông nghiệp Mường Khương đang dần được định hình. Dự tính đến năm 2025, vùng lúa chất lượng cao sẽ được mở rộng tại xã Bản Xen, Lùng Vai, Bản Lầu; 130 ha rau trái vụ sẽ được trồng ở các xã vùng cao, như Cao Sơn, La Pan Tẩn, Nấm Lư, Pha Long… Địa phương này cũng sẽ phát triển vùng cây ăn quả có giá trị kinh tế cao, đến năm 2025 diện tích đạt khoảng 5.400 ha. Những chuyển biến đó sẽ góp phần giúp huyện nghèo 30a đạt được mục tiêu nâng cao nhận thức, phát huy tính tự lực, tự cường của người dân. Giảm tỷ lệ hộ nghèo đa chiều theo chuẩn mới trung bình từ 6%/năm. Đến năm 2025 cả huyện sẽ chỉ còn trên 1.800 hộ nghèo.

Thu Hường - Nông Quý


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết