Mường Khương thu hút đầu từ vào lĩnh vực nông nghiệp

15:18 07-12-2021 | :397

Laocaitv.vn - Mường Khương hiện đang có vùng sản xuất hàng hóa quy mô lớn và tập trung của tỉnh. Địa phương cũng dành ưu tiên đặc biệt để thu hút doanh nghiệp đầu tư vào chế biến, giúp nông dân yên tâm phát triển sản xuất.

Chè búp tươi của nông dân sẽ được Hợp tác xã sản xuất chè Mường Khương thu mua chế biến.

100% chè búp tươi của huyện Mường Khương đều được chế biến ngay tại địa phương. 6 nhà máy của cả doanh nghiệp và tư nhân ở đây đã thực hiện chế biến đến 22.000 tấn chè búp tươi, giúp hơn 4.000 hộ dân có nguồn thu lên đến 148 tỷ đồng mỗi năm từ việc bán chè búp tươi và tiềm năng của ngành sản xuất này vẫn còn rất lớn. Ông Nguyễn Hồng Quân, Phó Giám đốc Hợp tác xã sản xuất chè Mường Khương chia sẻ: "Cấp ủy, chính quyền địa phương có giới thiệu khu đấy, mặt bằng, tạo điều kiện cho doanh nghiệp xây dựng nhà máy. Khi chúng tôi lên khảo sát điều tra thì 60% nông dân mới bón phân, làm cỏ, nhưng hiện nay thì 100% hộ dân trồng chè đều đã bón phân, làm cỏ, chăm sóc chè qua đông".

Vụ quýt năm nay, nông dân đã có thêm thu nhập từ việc tận thu quả quýt xấu để bán cho Hợp tác xã cộng đồng Mường Khương chế biến. Chỉ 5.000 đồng/kg nhưng có khoảng 10%- 15% quả quýt xấu đã được chế biến. Giúp nông dân có thêm thu nhập mà không phải bỏ để quả rơi rụng sau mỗi vụ thu hoạch".

Công nhân Hợp tác xã cộng đồng Mường Khương bóc vỏ chế biến quả quýt.

Anh Lồ Pao Sủi, thôn Chúng Chải, thị trấn Mường Khường, huyện Mường Khương cho biết: "Tôi gửi xuống quê là 20.000 đồng/kg. Quả bé tôi trở vào công ty, bán được 5.000 đồng/kg thôi. Nếu mà công ty không thu mua thì để trong vườn thối. Năm nay dịch Covid-19 Nhà nước cũng khó khăn, dân cũng khó khăn thì giá rẻ hơn rồi".

Trong chuỗi giá trị sản xuất hàng hóa, người dân chỉ thực hiện được một nửa, mới tạo ra sản phẩm nông nghiệp thô. Vì thế để tăng giá trị từ sản xuất nông nghiệp, phải có sơ chế, chế biến và sự tham gia của doanh nghiệp là tất yếu. Huyện Mường Khương cũng xác định cây trồng, vật nuôi chủ lực của từng xã, tạo quỹ đất sạch để xây dựng nhà máy chế biến. Ông Lê Ngọc Dương, Chủ tịch UBND huyện Mường Khương cho biết: "Toàn bộ khâu giải phóng bặt bằng và kinh phí giải phóng mặt bằng, kinh phí Nhà nước hỗ trợ 100%. Ngoài ra huyện cũng cam kết với doanh nghiệp, hướng dẫn, vận động tham gia các tổ hợp tác".

Sản phẩm Siro làm từ quả quýt.

Thu hút doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia liên kết sản xuất, bao tiêu, chế biến các loại nông sản là điều kiện tăng tính bền vững trong sản xuất nông nghiệp hàng hóa, giúp nông dân sản xuất được hưởng lợi cao hơn. Đồng thời cũng cần quan tâm, đảm bảo lợi ích hài hòa giữa doanh nghiệp và nông dân để tạo ra mối liên kết trong sản xuất, tiêu thụ.

Bài, ảnh: Ngọc Hà – Nông Quý – Ngọc Dương


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết