Nâng cao giá trị lợn đen Mường Khương

10:31 18-10-2022 | :799

Laocaitv.vn - Phục tráng và phát triển đàn lợn đen bản địa đi đôi với nâng cao thương hiệu, giá trị cho sản phẩm lợn đen đang được huyện Mường Khương chú trọng. Đây được xem là nỗ lực của địa phương nhằm gìn giữ, bảo tồn 1 trong 3 giống lợn quý của miền Bắc.

Bảo tồn nguồn giống, chú trọng tuyên truyền, vận động người dân mở rộng mô hình, phát triển chăn nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa - Với cách làm này, xã Nấm Lư, huyện Mường Khương đã có trên 450 hộ gia đình tại 9 thôn, bản tham gia nuôi lợn đen bản địa, góp phần phát triển kinh tế, giúp nhiều hộ vươn lên thoát nghèo.

Anh Lù Diu Cáng, ở thôn Ngam Lâm, xã Nấm Lư cho biết: "Năm ngoái, tôi cũng đầu tư mua con giống, sửa chữa lại chuồng trại và mua thêm thiết bị phục vụ chăn nuôi. Nói chung, nuôi lợn đen bản địa, thị trường tiêu thụ cũng rất dễ dàng".

Ông Lù Văn Tiến, Chủ tịch UBND xã Nấm Lư cho biết thêm: "Chúng tôi triển khai 8/9 thôn để phát triển các mô hình. Một số thôn chưa có kinh nghiệm, chúng tôi cho học hỏi trực tiếp ngay tại các thôn trong xã. Chúng tôi cũng đang hướng các hộ hợp tác lại để làm trang trại".

Mường Khương vận động người dân nuôi lợn đen bản địa theo hướng hàng hóa.

Để phát triển tăng trưởng đàn lợn đen cả về số lượng và chất lượng, từ năm 2015 đến nay, huyện Mường Khương đã hỗ trợ con giống cho hơn 500 hộ dân tại các xã vùng cao đặc biệt khó khăn. Đến nay, đàn lợn đen của Mường Khương đã có khoảng 16.000 con, chiếm trên 60% tổng đàn.

Cùng với phát triển lợn đen bản địa theo hướng hàng hóa, việc nâng cao giá trị cho sản phẩm thịt lợn đen cũng được địa phương chú trọng, xây dựng thương hiệu, gắn với Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”. Hiện, Mường Khương đã có 3 sản phẩm chế biến từ thịt lợn đen của HTX Sơn Hòa (xã Bản Lầu, huyện Mường Khương), gồm: Thịt lợn bản, khâu nhục, ruốc lợn bản đạt OCOP 3 sao cấp tỉnh; đồng thời phấn đấu có thêm 3 sản phẩm sẽ được công nhận OCOP trong năm 2022.

Bà Cao Thị Hòa, Phó Giám đốc HTX Sơn Hòa cho biết: "Tháng 11 này, chúng tôi sẽ tham gia 2 sản phẩm chấm OCOP cấp tỉnh, bây giờ đã hoàn thiện hồ sơ. Dự kiến năm 2023 sẽ nâng cấp sản phẩm lên OCOP 4 sao".

Ông Lê Thanh Hoa, Trưởng phòng Nông nghiệp & Phát triển nông thôn huyện Mường Khương cho biết thêm: "Hiện nay, chúng tôi đang tiếp tục thu hút các doanh nghiệp, các HTX, họ liên kết với người dân chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi để tạo ra được sản phẩm chất lượng tốt nhất. Thứ hai là hỗ trợ các HTX xây dựng sản phẩm OCOP".

Nhiều sản phẩm chế biến từ lợn đen bản địa đạt sao OCOP cấp tỉnh.

Với nhiều giải pháp phù hợp, Mường Khương đã và đang từng bước nâng cao giá trị, hiệu quả kinh tế từ lợn đen bản địa, xây dựng thương hiệu thực phẩm đặc hữu của địa phương, tạo việc làm và thu nhập tốt cho người chăn nuôi.

Huyền Trang - Thành Thuận


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết