Laocaitv.vn - Những ngày vừa qua, Lào Cai liên tục có những đợt mưa lớn kéo dài. Vì thế, nước trên các sông, suối dâng cao, nguy cơ xảy ra lũ ống, lũ quét luôn hiện hữu, nhất là tại khu vực vùng cao. Đặc biệt, với một tỉnh có hệ thống thủy điện vừa và nhỏ nhiều như Lào Cai thì công tác đảm bảo an toàn hồ đập trong mùa mưa cần được đặc biệt coi trọng.
Sử dụng hệ thống loa phát thanh, còi để thông báo trước về thời gian xả lũ được Nhà máy thủy điện Nậm Hô thực hiện rất hiệu quả.
Nhiều biện pháp đảm bảo an toàn cho vùng hạ du đã và đang được Nhà máy thủy điện Nậm Hô, huyện Bát Xát thực hiện. Hệ thống quan trắc mưa tự động, hệ thống cảnh báo lũ sớm được đầu tư, giúp đơn vị chủ động trong việc điều chỉnh lượng nước lũ xả ra. Sử dụng hệ thống loa phát thanh, còi để thông báo trước về thời gian xả lũ - đó là một trong những giải pháp được Nhà máy thủy điện Nậm Hô thực hiện nhằm đảm bảo an toàn cho người dân vùng hạ du.
Qua kiểm tra của các cơ quan chức năng cho thấy, hiện các nhà máy thủy điện ở Lào Cai đều đã xây dựng được phương án đảm bảo an toàn hồ đập, đảm bảo an toàn vùng hạ du trong mùa mưa. Tuy nhiên, chỉ có số ít các nhà máy thủy điện mạnh tay đầu tư các trang thiết bị cảnh báo sớm nguy cơ mưa lũ nên mức độ an toàn của nhiều hồ chứa còn thấp và chưa có hiệu quả thực tế. Tại hội nghị phòng, chống thiên tai năm 2020 các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc vừa được tổ chức, đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng, đa số các nhà máy thủy điện ở khu vực miền núi phía Bắc, trong đó có Lào Cai đều nằm theo thế bậc thang liên hoàn, do đó việc phối hợp giữa các nhà máy với cấp ủy, chính quyền địa phương trong việc đảm bảo an toàn hồ đập thủy điện đang được đặt ra một cách cấp bách. Ông Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: “Cần phải đảm bảo quy trình liên hồ chứa một cách khoa học và sát với thực tiễn nhất; tuân thủ nghiêm túc tất cả sự điều hành, sự chỉ đạo liên hồ chứa, dưới sự chỉ huy của Ban chỉ đạo các tỉnh, Ban chỉ đạo TW để đảm bảo các hồ chứa vận hành khoa học và an toàn; tăng cường các biện pháp tổng thể, điều chỉnh quy trình xả nước, tích nước một cách liên hoàn; không chỉ đảm bảo an ninh năng lượng mà phải đảm bảo an toàn cuộc sống, đảm bảo sản xuất khu vực hạ du cho Nhân dân”.
Quang cảnh hội nghị phòng, chống thiên tai năm 2020 các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc.
Tại huyện Bát Xát, nằm trên lưu vực suối Mường Hum có đến 5 nhà máy thủy điện đã đi vào hoạt động. Thủy điện Ngòi Phát nằm dưới bậc cuối cùng với công suất 84 MW. Đây là nhà máy thủy điện lớn thứ 2 tại Lào Cai. Ngoài đảm bảo phương án an toàn hồ đập, quy trình vận hành xả lũ, nhà máy này thường xuyên phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức diễn tập nhằm nâng cao kỹ năng xử lý tình huống. Đặc biệt, quy trình vận hành liên hồ đập giữa các nhà máy trên cùng 1 lưu vực cũng đã được nhà máy thủy điện này coi trọng hơn trong những năm gần đây. Anh Nguyễn Mạnh Hùng, Trưởng Phòng Tổng hợp Nhà máy Thủy điện Ngòi Phát, huyện Bát Xát cho biết: “Cơ chế phối hợp giữa các nhà máy thủy điện bậc trên rất tốt. Nhà máy Thủy điện Ngòi Phát ở cuối cũng nhưng đều nắm được, luôn đảm bảo cho lưu lượng nước về đập của các thủy điện và lưu lượng phát của thủy điện bậc trên. Nhà máy cũng đã xây dựng các phương án phòng, chống bão lũ theo đúng quy định”.
Đến thời điểm này, Lào Cai có 46 nhà máy thủy điện đã đi vào hoạt động với tổng công suất gần 800 MW. Việc khai thác tài nguyên nước để phát triển nguồn năng lượng là cần thiết nhưng cần phải đặt sự an toàn của người dân lên hàng đầu. Đi kèm với đó, là vấn đề bảo vệ môi trường sinh thái trước những diễn biến bất thường của thiên tai vì nguy cơ lũ ống, lũ quét từ nhà máy thủy điện luôn hiện hữu.
Ngọc Hà - Tuấn Nam - Nông Quý
Bình luận
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết