Nghị quyết 10 - Cơ hội để cuộc sống đồng bào dân tộc thiểu số tại Mường Khương khởi sắc

10:34 09-04-2022 | :440

Laocaitv.vn - Phấn đấu đến năm 2025 tốc độ tăng trưởng bình quân ngành Nông nghiệp đạt khoảng 13,68%/năm, giá trị sản xuất đạt hơn 2.400 tỷ đồng, thực hiện chuyển đổi 3.100 ha đất trồng cây kém hiệu quả sang trồng các cây trồng chủ lực, tiềm năng - Đây là những mục tiêu cụ thể của huyện Mường Khương trong triển khai Nghị quyết 10 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về chiến lược phát triển nông nghiệp hàng hóa tỉnh Lào Cai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Cách đây 5 năm, gia đình anh Phàn Văn Chương ở thôn Nậm Đó, xã Lùng Khấu Nhin, huyện Mường Khương trồng hơn 2 vạn gốc chè trên đất sản xuất ngô kém hiệu quả. Từ khi nương chè cho thu hái búp đều, anh Chương càng thấy hướng chuyển đổi của gia đình mình là hoàn toàn đúng đắn. Anh Chương chia sẻ: "Nương để trồng ngô thì chắc thu được 3 triệu đồng, nhưng trồng chè thì ít nhất cũng được hơn 10 triệu đồng, mà chỉ trồng một lần xong năm nào cũng được thu hoạch. Vậy nên bây giờ tôi cũng muốn mở rộng diện tích trồng chè".

Trồng chè mang lại giá trị kinh tế cao cho người dân Lùng Khấu Nhin.

Xã Lùng Khấu Nhin có diện tích chè tương đối lớn và tập trung, khoảng 295 ha, trong đó có 71 ha đã cho thu hoạch. Triển khai Nghị quyết 10 của Tỉnh ủy, Lùng Khấu Nhin xác định cây chè là một cây trồng chủ lực nên đã quy hoạch mở rộng vùng trồng. Năm 2021, đã có 55 ha chè được trồng mới, dự kiến bà con sẽ trồng thêm 75 ha chè trong năm 2022.

Để cụ thể hoá thực hiện Nghị quyết 10, huyện Mường Khương đã thành lập Ban Chỉ đạo phát triển nông nghiệp hàng hoá huyện, triển khai đến các xã, thị trấn xây dựng kế hoạch phù hợp với điều kiện thực tế địa phương. Huyện tập trung phát triển vào 5 cây, con chủ lực gồm: Cây chè, chuối, dứa, rừng và lợn đen. Các cây trồng tiềm năng gồm lúa Séng cù, quýt, ớt và cây hồng giòn; đẩy mạnh xây dựng các trang trại, gia trại.

Ông Hoàng Trường Minh, Phó Chủ tịch UBND huyện Mường Khương cho biết: "Chúng tôi nhận thấy Nghị quyết 10 giống như một làn gió mới, là cơ hội cho sự phát triển của bà con, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số. Việc triển khai cũng nhận được sự đồng thuận của bà con".

Cây quýt được huyện Mường Khương xác định là một trong những cây trồng tiềm năng. 

Mường Khương đang có sự chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp mạnh mẽ. Đặc biệt, đã thu hút xây dựng 6 nhà máy chế biến nông sản, nâng tổng số cơ sở chế biến trên địa bàn lên 11 cơ sở; giá trị sản phẩm trên 1 ha đất canh tác đạt 66,6 triệu đồng. Đây là điểm tựa để Mường Khương tiếp tục đưa Nghị quyết 10 vào cuộc sống, từng bước nâng cao đời sống của đồng bào.

Thu Hường – Nông Quý


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết