Người dân chủ động chuyển dịch cơ cấu vật nuôi để phát triển kinh tế

18:25 27-05-2020 | :728

Laocaitv.vn - Để khai thác tốt tiềm năng thế mạnh, tạo động lực thúc đẩy nông nghiệp của địa phương bứt phá đi lên, những năm qua, nhiều hộ dân trên địa bàn tỉnh đã tích cực chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đưa các loại cây, con giống có năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế cao vào sản xuất, từng bước cải thiện, nâng cao thu nhập.

Nhận thấy giống thỏ New Zealand có nhiều ưu điểm về khả năng sinh trưởng và phát triển, sản phẩm thịt được người tiêu dùng ưa chuộng, đồng thời là nguyên liệu phục vụ cho sản xuất dược liệu, bà Lê Thị Phượng ở thôn Sơn Lầu, xã Cam Đường, thành phố Lào Cai đã đầu tư chăn nuôi giống thỏ này. Bước đầu đem lại tín hiệu khả quan cho phát triển kinh tế gia đình. 

Ban đầu, do chưa có kinh nghiệm nên bà Phượng chỉ nuôi thử nghiệm vài đôi cùng với chăn nuôi lợn, gà… Sau một thời gian, nhận thấy nuôi thỏ dễ hơn các con vật khác nên bà tập trung vốn vào phát triển kinh tế theo hướng chăn nuôi thỏ với quy mô hộ gia đình. Do vốn đầu tư ban đầu thấp, chỉ khoảng 60.000 - 70.000/kg thỏ giống; nuôi thỏ sẽ có vốn quay vòng nhanh nên rất phù hợp với điều kiện chăn nuôi nông hộ. Bà Phượng cho biết: “Hiện nay, đầu ra cho thỏ thịt và thỏ giống khá thuận lợi, thương lái đến tận nơi để thu mua. Với giá thu mua như hiện nay thì con thỏ chính là vật nuôi xoá đói giảm nghèo bền vững của người dân thôn Sơn Lầu, xã Cam Đường”.

Bà Lương Thị Liên, Phó Chủ tịch HĐND xã Cam Đường cho biết thêm: “Trước đây người dân chỉ nuôi thỏ làm cảnh, nhưng gần đây nhờ giá cả khá ổn định nên người dân đã bắt đầu nuôi thỏ lấy thịt. Địa phương đang khuyến khích bà con chia sẻ kinh nghiệm để nhân rộng mô hình này”.

Mô hình nuôi thỏ New Zealand bước đầu đem lại tín hiệu khả quan cho gia đình bà Phượng.

Còn tại thôn An Hồ, xã Phong Niên, huyện Bảo Thắng, gia đình bà Trần Thị Lý cũng mạnh dạn đầu tư mô hình nuôi hươu lấy nhung, bán con giống và bán thịt, đem lại thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Đây là nông hộ nuôi hươu duy nhất đến thời điểm hiện tại trên địa bàn xã Phong Niên. Theo bà Lý, hươu, nai vốn là động vật hoang dã, có sức đề kháng cao, vì vậy rất dễ chăm sóc và nuôi dưỡng. “Nuôi hươu đã 4, 5 năm nay nhưng tôi không phải tiêm phòng cũng không thấy có dịch bệnh, thức ăn thì có thể tận dụng các loại cây cỏ xung quanh nhà. Hươu cho ra nhung từ khoảng tháng 12 nên trong thời điểm này cần bổ sung thêm thức ăn bằng các loại cây có nhựa...”, bà Lý cho biết thêm.

Hiện tại, nhu cầu mua nhung hươu trên thị trường là rất lớn, với giá bán bình quân khoảng 1 triệu đồng/100 gam nhung hươu và 750.000 đồng/100 gam nhung nai. Nếu chăm sóc tốt, hươu có thể cho nhung đến hơn 20 năm.

Hươu nhung dễ chăm sóc, hiệu quả kinh tế đem lại khá cao.

Việc thực hiện chuyển dịch cơ cấu vật nuôi đã có những thay đổi lớn trong nhận thức người dân. Nếu như trước đây, người dân chủ yếu chăn nuôi tự phát, thì nay họ đã biết tìm hiểu, nắm bắt nhu cầu của thị trường để lựa chọn các loại vật nuôi phù hợp. Tình trạng chăn nuôi manh mún, nhỏ lẻ cũng dần bị xóa bỏ, thay vào đó là hoạt động của các mô hình tổ hợp tác, hợp tác xã, nhóm sản xuất, chăn nuôi để cùng nhau xây dựng kế hoạch, hướng phát triển và quan trọng hơn là địa vị pháp lý của người dân được nâng lên trong việc ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm với các đơn vị, doanh nghiệp thu mua.

Từ việc thực hiện, cơ cấu lại sản xuất đã giúp ngành chăn nuôi chuyển dần sản xuất từ số lượng sang chất lượng; việc ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ cao và thực hiện đúng các tiêu chuẩn sản xuất an toàn ngày càng được triển khai rộng rãi, góp phần tạo nguồn thực phẩm sạch, đáp ứng nhu cầu thị trường.

  Đức Tính


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết