Người Dao Nậm Dạng giữ gìn nghề đan lát truyền thống

10:49 12-08-2024 | :34

Laocaitv.vn - Từ những nguyên liệu dân dã, gắn với cuộc sống thường ngày ở mỗi vùng quê như: tre, nứa, mây... qua đôi bàn tay khéo léo, cùng sự sáng tạo của bà con đã trở thành những sản phẩm hữu ích phục vụ sinh hoạt hàng ngày. Dù chịu nhiều tác động của cuộc sống hiện đại, nhưng nghề đan lát vẫn được người dân ở nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh gìn giữ.

Ở độ tuổi xưa nay hiếm, ông Triệu Văn Chu ở thôn Thượng, xã Nậm Dạng, huyện Văn Bàn vẫn ngày ngày miệt mài với nghề đan lát thủ công truyền thống được cha ông truyền lại. Theo ông Chu, để có sản phẩm đan lát bền và đẹp, thì khâu chuẩn bị nguyên liệu rất quan trọng: phải chọn được cây tre sinh trưởng ở gần nơi ven suối, khi gõ vào thân phát ra tiếng kêu chắc, đanh thì lúc chẻ lạt để đan mới dẻo và bền. Ông Chu chia sẻ: Từ bé tôi đã học cách đan đồ dùng trong nhà rồi. Bây giờ có tuổi không làm được việc nặng thì đan, lát để phục vụ cho gia đình và bà con trong thôn. Bán chẳng được bao nhiêu tiền, chủ yếu là giữ nghề truyền thống để khỏi mất đi.

Những cây tre tốt được lựa chọn để làm nguyên liệu đan lát.

Đời sống, sinh hoạt của người Dao luôn gắn liền với những vật dụng từ đan lát, như: gùi, sọt, nong, nia, giỏ…. Đặc biệt, đây là những vật dụng không thể thiếu khi cử hành một số nghi lễ tâm linh. Để làm được sản phẩm đan lát bền, đẹp đòi hỏi sự khéo léo, tỷ mẩn, kiên trì, sáng tạo và không phải ai cũng làm được. Do vậy, nghề đan lát đang được được chính quyền địa phương khuyến khích những người biết nghề gìn giữ và truyền dạy cho thế hệ sau.

Một vật dụng từ đan lát được bà con làm.

Ông Phùng Thừa Minh, Trưởng thôn Thượng, xã Nậm Dạng, huyện Văn Bàn cho biết: “Có rất ít người biết làm, các bác làm được thì có một số người cần dùng lại đến mua và nhờ để làm. Trong thôn cũng tuyên truyền cho mọi người ai có đam mê và nhu cầu thì tiếp tục học”.

Ông Triệu Văn Sinh, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Nậm Dạng, huyện Văn Bàn chia sẻ: “Hàng năm, xã xây dựng các nghị quyết lãnh đạo của Đảng bộ để tuyên truyền đến các chi bộ, thôn, bản để bảo tồn nghề đan lát. Hiện tại, các thôn đều có người biết đan gùi, đan giỏ, đan mẹt…”.

Các sản phẩm từ đan lát được dùng nhiều trong sinh hoạt hằng ngày.

Nghề đan lát truyền thống đã gắn bó lâu đời với bà con dân tộc thiểu số nói chung và người Dao Nậm Dạng nói riêng. Những sản phẩm đan lát thủ công, không chỉ phục vụ cho cuộc sống, sinh hoạt hàng ngày, mà còn là nét đẹp văn hóa cần được bảo tồn và phát huy gắn với phát triển du lịch, giúp bà con gia tăng thu nhập,  từ đó gắn bó hơn với nghề truyền thống.

Ngọc Minh


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết