Laocaitv.vn - Tập trung chuyển dịch cơ cấu kinh tế, xóa đói giảm nghèo đang là một thách thức đặt ra đối với xã Nậm Sài, huyện Sa Pa. Để khai thác thế mạnh của địa phương, bà con ở đây không chỉ phát triển mô hình du lịch cộng đồng, phát triển chăn nuôi, mà còn tập trung vào một số mô hình sản xuất như trồng khoai tây, dưa, ớt…Riêng với gia đình ông Nguyễn Danh Minh, ở thôn Bản Sài, xã Nậm Sài, lại chọn mô hình phát triển cây cam V2, loại cây ít được người dân trồng trên đất Sa Pa từ trước đến nay. Nhưng bước đầu, mô hình trồng cây cam của ông đang mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt, dần trở thành mô hình phát triển kinh tế điển hình của địa phương.
Nậm Sài là vùng đất hạ huyện Sa Pa, có đặc điểm khí hậu khá khác biệt, vừa ôn đới, á nhiệt đới. Là người dân sinh sống ở đất Nậm Sài lâu năm, có dịp đi nhiều nơi, ông Nguyễn Danh Minh thôn Bản Sài nhận thấy, nhiều loại cây trồng có múi có thể phát triển được ở vùng đất này, đặc biệt là đối với cây cam, cây chanh. Chính vì vậy mà ông quyết định đầu tư phát triển mô hình trồng cây cam canh, cam sành và cam V2.
Năm 2015, ông mạnh dạn bỏ vốn, tìm hiểu mua cây giống cam V2 để trồng với diện tích 2 ha của gia đình. Mới đầu trồng cây cam V2, ông Minh cũng không tránh khỏi những bỡ ngỡ trong kỹ thuật trồng, chăm sóc thế nào cho phù hợp. Với quyết tâm cao, ông đã đến huyện Cao Phong, tỉnh Hòa Bình và tỉnh Nghệ An để học hỏi, nắm bắt kỹ thuật. Chính vì vậy mà giống cam V2 được ông đưa về trồng đã phát triển tốt. Tính từ khi mới bắt đầu trồng là năm 2015, đến nay 2 ha cam của ông đã cho thu hoạch. Theo ông Minh tính toán, riêng giống cam V2 của gia đình ông đã thu được 30 tấn quả, giá cam tại chỗ bán được khoảng 30.000 - 40.000đ/kg. Tuy mới là năm đầu cho thu hoạch, xong 2 ha cam V2 đã mang về cho ông Minh doanh thu khá lớn, bình quân mỗi ha cho khoảng 450 triệu đồng. Đặc biệt, theo ông Minh cho biết: “Chất lượng quả Cam V2 còn có phần vượt trội hơn so với một số vùng trồng cam khác như: Nghĩa Lộ (Yên Bái), Cao Phong (Hòa Bình)…
Cam V2 tỏ ra phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng ở Nậm Sài, Sa Pa (ảnh: Bùi Liêm)
Từ hiệu quả của mô hình trồng cây cam V2 ban đầu, ông Minh đã mạnh dạn trồng thêm 2 ha, nâng tổng số diện tích trồng cam V2 của gia đình ông lên 4 ha. Bên cạnh đó, ông còn tìm hiểu kỹ thuật chiết, nhân giống để cung cấp cho các hộ dân có nhu cầu. Được biết, nhiều hộ dân ở thôn Nậm Nhìu, Nậm Ngấn, xã Nậm Sài khi tham quan mô hình phát triển cây cam V2 của gia đình ông Minh đã mạnh dạn nhờ ông hướng dẫn làm theo. Cho đến nay, tổng diện tích trồng cam V2 của xã Nậm Sài đã tăng lên 9 ha. Số hộ trồng cam V2 của các xã khu vực lân cận đã tăng lên 16 hộ với diện tích trên dưới 20 ha. Các hộ tham gia trồng cam V2 cũng luôn được ông chia sẻ, hướng dẫn cách làm và cung cấp cây giống để trồng.
Mô hình trồng cam V2 của ông Minh được nhiều người dân trong vùng học tập (Ảnh: Bùi Liêm)
Nhận thấy đây là một mô hình khá hiệu quả, phù hợp với chủ trương chuyển dịch cơ cấu cây trồng của địa phương, xã Nậm Sài cũng khuyến khích bà con nhân dân tham gia và có sự hỗ trợ cụ thể, nhằm đưa cây cam V2 trở thành một trong những cây có giá trị kinh tế, tạo bước đột phá để Nậm Sài tập trung xóa đói giảm nghèo bền vững. Tuy nhiên, sự phát triển này rất cần các ngành chức năng có sự hỗ trợ, định hướng quy hoạch kịp thời, đưa cây cam trở thành cây trồng mang lại giá trị kinh tế ổn định vùng hạ huyện Sa Pa.
Việt Hùng
Bình luận
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết