Nhân rộng mô hình chăn nuôi lợn an toàn sinh học

15:50 23-10-2020 | :843

Laocaitv.vn - Lào Cai sẽ tập trung phát triển đàn lợn ở vùng thấp theo quy mô trang trại. Tuy nhiên, phần lớn các hộ dân vùng cao chỉ chăn nuôi ở quy mô hộ gia đình. Vậy giải pháp nào để nông dân vùng cao có thu nhập từ việc chăn nuôi nhỏ? Mô hình chăn nuôi lợn an toàn sinh học trong cộng đồng ở thôn Na Áng B, xã Na Hối, huyện Bắc Hà được đề cập sau đây sẽ là một gợi ý để nhiều địa phương vùng cao học tập.

Từ nhiều năm nay, việc chăn nuôi lợn an toàn sinh học được đưa vào nghị quyết của chi bộ Na Áng B, xã Na Hối.

Mỗi tháng 1 lần, thôn Na Áng B, xã Na Hối, huyện Bắc Hà đều tổ chức họp thôn. Một trong nhiều nội dung được các hộ dân tập trung thảo luận là các quy định của thôn trong việc nuôi lợn tại địa phương. Từ nhiều năm nay, việc chăn nuôi lợn được người dân chấp hành theo đúng quy định của thôn nên không có dịch bệnh xảy ra. Khi dịch tả lợn châu Phi bùng phát ở các khu vực phụ cận, người dân thôn Na Áng B cũng áp dụng nhiều quy định nghiêm ngặt để bảo vệ đàn lợn. Yêu cầu thực hiện quy ước về việc chăn nuôi lợn an toàn sinh học được đưa vào nghị quyết của chi bộ Na Áng B, đồng thời, lập bản cam kết để tất cả các hộ cùng ký, thực hiện những quy định riêng của thôn trong việc chăn nuôi. "Chúng tôi xây dựng hương ước, trong thời gian có dịch bệnh, không nhập lợn giống từ ngoài vào địa phương mà chỉ sử dụng trong thôn bản; tuyên truyền bà con rắc vôi và phun khử trùng. Trường hợp nào giết mổ hay đưa lợn giống vào là chúng tôi xử phạt", anh Sền Văn Dũng, Trưởng thôn Na Áng B, xã Na Hối, huyện Bắc Hà nói.

Nhiều hộ dân đã chủ động lập sổ theo dõi quá trình sinh trưởng của đàn lợn để có giải pháp phát triển chăn nuôi an toàn, bền vững.

Mỗi năm xuất bán khoảng 2 tấn lợn hơi, mang lại hơn 200 triệu đồng cho gia đình anh Vàng Văn Phúc. Để đảm bảo an toàn trong chăn nuôi, gia đình tự nuôi lợn nái để sản xuất con giống. Việc nuôi lợn của anh Vàng Văn Phúc khá thuận lợi, bởi con giống được sản xuất tại chỗ nên đảm bảo an toàn về dịch bệnh. Thay cho việc nuôi lợn bằng cám công nghiệp thì nông dân trong thôn Na Áng B đều trồng ngô, nấu cám cho lợn ăn. Việc làm này cũng cắt giảm được mối nguy về dịch bệnh từ bên ngoài lây lan vào đàn lợn của địa phương khi sử dụng thức ăn công nghiệp.

"Khi thực hiện chăn nuôi lợn an toàn trong cộng đồng, gia đình tôi đã chủ động lập sổ theo dõi quá trình sinh trưởng của đàn lợn, nhất là đối với lợn nái. Nhật ký chăn nuôi được ghi chi tiết cũng sẽ giúp gia đình hoạch toán được thu nhập từ việc nuôi lợn", anh Vàng Văn Phúc, thôn Na Áng B, xã Na Hối, huyện Bắc Hà cho biết.

Thực hiện chăn nuôi lợn an toàn sinh học sẽ góp phần ngăn chặn dịch tả lợn châu Phi.

Giống lợn đen của vùng cao Lào Cai là một trong những giống lợn quý của quốc gia. Khi thực hiện chăn nuôi lợn an toàn sinh học trong cộng đồng, không những giúp bảo vệ được nguồn giống tốt mà còn giúp nông dân phát triển kinh tế ổn định từ việc nuôi lợn, góp phần gia tăng sản lượng thịt hơi theo mục tiêu xây dựng đến năm 2025 là 650.000 tấn.

Ngọc Hà – Ngọc Dương


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết