Nhiều cơ sở kinh doanh vi phạm về an toàn vệ sinh thực phẩm tại huyện Văn bàn

10:16 18-09-2020 | :412

Laocaitv.vn - Những hộp sữa, bánh ngọt, ô mai đã quá hạn, thậm chí có những gói kẹo đã hết hạn cả năm, vẫn vô tư được bày bán trên kệ, lẫn trong rất nhiều sản phẩm bánh kẹo khác - đó là thực tế mà Đội kiểm tra liên ngành về an toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Lào Cai kiểm tra tại huyện Văn Bàn trong thời gian vừa qua.

Kiểm tra cửa hàng tạp hóa của chị Lương Thị Nga.

Dịp tết Trung thu 2020, các ban ngành chức năng của tỉnh Lào Cai đang tăng cường công tác kiểm tra đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm cho Nhân dân trên địa bàn tỉnh. Nhưng thực tế các cuộc kiểm tra cho thấy, vẫn còn sự chủ quan từ cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh lẫn người tiêu dùng trong vấn đề đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Chỉ trong một thời gian ngắn kiểm tra tại cửa hàng tạp hóa nằm ở trung tâm xã Dương Quỳ, huyện Văn Bàn, Đội kiểm tra liên ngành về an toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh đã nhanh chóng phát hiện ra rất nhiều hàng hóa có vấn đề. Những hộp sữa, bánh ngọt, ô mai đã quá hạn, thậm chí, có những gói kẹo đã hết hạn cả năm, vẫn vô tư được bày bán trên kệ, lẫn trong rất nhiều sản phẩm bánh kẹo khác. Nếu không sớm được phát hiện, cộng với sự chủ quan của người mua, rất có thể, những sản phẩm không đảm bảo chất lượng này sẽ được sử dụng, hậu quả thì rất khó lường.

“Tại là do dịch, trước tết tôi lấy vẫn bán được hàng nhưng còn nhiều, bây giờ bán không chạy nhưng tôi lại không để ý. Qua kiểm tra hôm nay, tôi nhận thức được là mình phải quan tâm hơn đến hạn sử dụng để tránh tình trạng như hôm nay”, chị Lương Thị Nga, chủ cửa hàng tạp hóa thôn Trung tâm, xã Dương Quỳ, huyện Văn Bàn chia sẻ.

Những hộp ô mai đã quá hạn sử dụng nhưng vẫn được bày bán trên kệ hàng.

Tại một tiệm tạp hóa khác ngay tại trung tâm xã Dương Quỳ cũng trong tình trạng tương tự. Chưa tính tới việc giá kệ để hàng hóa chưa đảm bảo, nhiều hàng hóa không có nhãn phụ thì những thùng sữa chua được để bên ngoài thay cho bảo quản trong nhiệt độ quy định từ 6 đến 8 độ C chắc chắn sẽ không còn đảm bảo chất lượng.

“Cái này một phần là do lỗi của cửa hàng tạp hóa chúng tôi, đôi khi đông khách thì không để ý được. Một phần cũng do nhân viên phân phối hàng không có hướng dẫn cụ thể, tôi chỉ biết lấy hàng, quan tâm đến hạn sử dụng chứ không để ý cách bảo quản, hôm nay đoàn về hướng dẫn thì tôi mới biết”, chị Nguyễn Thị Dịu, chủ cửa hàng tạp hóa thôn Trung tâm, xã Dương Quỳ, huyện Văn Bàn cho biết.

Kiểm tra cửa hàng tạp hóa của chị Nguyễn Thị Dịu.

Tại nhiều địa bàn vùng nông thôn, vùng núi, các cơ sở kinh doanh thực phẩm đa số còn nhỏ lẻ, mang tính chất hộ gia đình, do đó, hầu hết chưa thực hiện tốt các quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm. Thực tế nữa là một số ban chỉ đạo cấp xã chưa quan tâm đúng mức đến công tác bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Anh Nguyễn Chí Võ, Trạm trưởng Trạm Y tế xã Dương Quỳ, huyện Văn Bàn cho biết: “Chúng tôi cũng thường xuyên nhắc nhở các cơ sở kinh doanh, tổ chức đoàn giám sát thường xuyên, tuy nhiên ý thức của người bán hàng chưa thực sự tốt. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tăng cường công tác tuyên truyền sâu rộng hơn nữa đến các cơ sở bán hàng cũng như người dân”.

Ông Nguyễn Hải Sơn, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Lào Cai cho biết: “Cần có sự phối hợp, nhất là của chính quyền địa phương trong việc nắm bắt các hộ gia đình sản xuất nhỏ lẻ tự phát để mình biết và kiểm soát được họ".

Bên cạnh sự vào cuộc kịp thời của các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương trong thanh tra, kiểm tra, giám sát chất lượng thực phẩm thì các nhà sản xuất, kinh doanh thực phẩm phải nêu cao trách nhiệm, lương tâm nghề nghiệp. Người tiêu dùng cần nâng cao ý thức, kiến thức trong quá trình mua, lựa chọn, bảo quản và sử dụng thực phẩm đúng cách.

Thu Hường - Nông Quý


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết