Nhiều dư địa trong phát triển may công nghiệp tại Lào Cai
15:36 14-11-2023
| :379
Laocaitv.vn - Với lợi thế về nguồn nhân lực trẻ, có tay nghề, trình độ, cộng với văn hóa bản địa đặc sắc, Lào Cai đang là địa phương được nhiều doanh nghiệp ngành may mặc tìm đến đầu tư, phát triển. Dư địa của ngành may mặc còn rất lớn nếu Lào Cai biết nắm bắt cơ hội.
Chị Lữ Thị Thảo ở huyện Bát Xát mới vào công ty may làm việc được gần 1 tháng. Được cầm tay chỉ việc, chị Thảo dần thành thạo với các công đoạn và đã có thể tự đảm nhiệm vị trí trong dây chuyền. "Các anh chị chỉ dẫn rất rõ ràng, công nhân học việc tiếp thu rất dễ hiểu, dễ làm", chị Thảo chia sẻ.
Công việc may, thêu không đòi hỏi kỹ thuật quá phức tạp nên người lao động sẽ thích ứng nhanh.
Từ đầu năm đến nay, ngành may mặc trong cả nước gặp nhiều khó khăn do bất ổn nền kinh tế thế giới, khiến các đơn hàng liên tục bị sụt giảm. Tuy nhiên, với ngành hàng may, thêu xuất khẩu, tình hình kinh doanh vẫn khả quan khi tăng trưởng 30% so với năm ngoái. Công nhân phải tăng ca liên tục để đảm bảo các đơn hàng đúng hạn.
Chị Lã Thị Phương, công nhân Công ty TNHH Babeeni Việt Nam Chi nhánh Lào Cai cho biết: "Công việc rất đều, ổn định, nhiều khi muốn về lúc 17 giờ nhưng làm tăng ca đến 18 giờ 30 phút. Mức thu nhập bình quân của công nhân trong tổ từ 6 - 9 triệu đồng".
Lào Cai có nguồn nhân lực trẻ. Đặc biệt tại nhiều địa phương, lực lượng lao động nữ là người dân tộc thiểu số đa phần đều biết may, thêu thổ cẩm. Đây chính là nguồn nhân lực rất tốt nếu được đào tạo và làm việc tại các công ty may mặc.
Ông Trịnh Nguyên Phương, Giám đốc Công ty TNHH Babeeni Việt Nam Chi nhánh Lào Cai cho biết: "Ngành may không đòi hỏi quá phức tạp nên người lao động sẽ đáp ứng và thích ứng nhanh. Tuy nhiên, vẫn cần phải đào tạo những kiến thức ban đầu để bà con và người lao động có nền tảng, cơ sở trước, khi vào môi trường may công nghiệp sẽ thích ứng nhanh hơn, đó là lợi thế của người lao động tỉnh Lào Cai".
Dư địa để ngành may mặc tại Lào Cai phát triển là rất lớn, đồng thời sẽ tạo cơ hội việc làm cho nhiều người dân.
Mới đây, Ban Quản lý Khu Kinh tế tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư Dự án Nhà máy sản xuất hàng may mặc xuất khẩu của Công ty Cổ phần May xuất khẩu Korea Vina tại Khu Công nghiệp Đông Phố Mới, tổng vốn đầu tư 99 tỷ đồng. Đây sẽ là công ty thứ 2 về lĩnh vực may mặc đầu tư vào Lào Cai.
Ông Vương Trinh Quốc, Trưởng Ban Quản lý Khu Kinh tế tỉnh Lào Cai cho biết thêm: "Chúng tôi đã tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất trong việc giải quyết thủ tục hành chính. Sau chứng nhận đầu tư thì phải làm các thủ tục tiếp theo, Ban Quản lý Khu Kinh tế đã hướng dẫn nhà đầu tư rất chi tiết, đó là làm các thủ tục về đất đai, môi trường, phòng cháy chữa cháy, xin cấp phép xây dựng để sớm khởi công. Nhiều năm nay, có rất nhiều người ở tỉnh Lào Cai đã đi làm ở các nhà máy, khu công nghiệp dưới xuôi, vùng đồng bằng, họ có tay nghề. Nếu Lào Cai có nhà máy tương tự dưới vùng đồng bằng thì cũng là lợi thế để người lao động làm việc ngay tại địa phương mình".
Có thể thấy dư địa để ngành may mặc phát triển tại Lào Cai là rất lớn. Để tận dụng cơ hội, trước mắt, các địa phương cần chú trọng việc đào tạo nghề, giới thiệu việc làm, từ đó thúc đẩy việc chuyển dịch lao động, tăng thu nhập cho người dân.
Thế Long - Thành Thuận
Bình luận
Tối thiểu 10 chữ
Tiếng việt có dấu
Không chứa liên kết
Bình luận
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết