Laocaitv.vn - Liên kết từ sản xuất tới tiêu thụ giữa nông dân và doanh nghiệp là cách làm hay đã và đang được nhân rộng tại Lào Cai trong vòng 4 – 5 năm trở lại đây. Trên thực tế, đã có nhiều vùng sản xuất nông sản hàng hóa của tỉnh Lào Cai thực hiện thành công các mô hình liên kết nông nghiệp này. Tuy nhiên, cũng có 01 số địa phương, việc thực hiện các mô hình liên kết chưa được như mong muốn, dẫn đến sự nghi ngại của người dân trong việc triển khai mô hình, dự án hợp tác sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp tiếp theo.
Cuối năm vốn là thời điểm nông nhàn của bà con nông dân vùng cao, nhưng ở nhóm Khẩu Cồ, thuộc thôn Bản Cầm, bà con dân tộc Mông ở đây lại bận rộn hơn hẳn. Chỗ này vài nhà đang đổi công cho nhau để trồng cây sả, chỗ kia vài hộ tập trung tính toán chia đất trồng ngô, trồng đao riềng. Sở dĩ có sự tính toán này là do bà con chưa thực sự tin tưởng, khi cuối năm 2016, một hộ kinh doanh bên xã bạn Lùng Vai (Mường Khương) tìm đến vận động một số hộ trồng cây đao riềng. Hợp đồng có được lập với các điều khoản chi tiết, nhưng không thông qua chính quyền địa phương. Theo đó, hộ kinh doanh sẽ cung cấp củ giống, hướng dẫn kỹ thuật, bà con trồng và cuối năm 2017 sẽ thu mua củ. 3 hộ dân trồng được tổng cộng 5 ha. Đao riềng rất tốt, củ to, nhưng cuối năm, hộ kinh doanh chỉ mua theo gíá cam kết được 1 chuyến xe (khoảng 7 tấn củ), còn bỏ bẵng không mua nữa. Trong khi thời vụ thu hoạch đã gần hết, nhiều chỗ khóm đao đã bắt đầu nảy mầm, bà con rất sốt ruột. Thời điểm này, Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp của xã Bản Cầm được thành lập. Ngay sau đó, Hợp tác xã đã ký kết được 2 hợp đồng doanh nghiệp. Hợp đồng thứ nhất là sẽ trồng cây sả để trưng cất lấy tinh dầu, thứ hai là trồng đao riềng để chế biến thành tinh bột. Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp đã vận động người dân ở nhóm Khẩu Cồ đăng ký trồng 18 ha đao riềng và 7 ha cây sả. Việc vận động để người dân tham gia không dễ dàng gì bởi bà con rất lo doanh nghiệp không giữ lời hứa. Thế nhưng, cùng với cam kết của Hợp tác xã, có sự trung gian của chính quyền địa phương, bà con đã hăng hái đăng ký làm.
Cây đao riềng (Ảnh minh họa)
Hiện nay, Doanh nghiệp ký kết với Hợp tác xã đã cung cấp cây sả giống, hướng dẫn cách trồng và bà con đã trồng xong. Dự kiến vào tháng tư tới sẽ được cắt lứa sả đầu tiên. Khi đó, doanh nghiệp sẽ lắp đặt một dây chuyền trưng cất tinh dầu. Theo hợp đồng, doanh nghiệp sẽ mua lá sả với giá 2 nghìn đồng/kg. Đối với cây đao riềng, hiện đang vào thời điểm chuẩn bị trồng, bà con có thể thực hiện theo 2 cách: Nếu được cung cấp giống, bà con sẽ bán với giá thấp nhất là 1.500 đồng/kg củ. Còn nếu tự bỏ tiền mua giống, giá thu mua thấp nhất là 1.800 đồng. Đối với diện tích đao riềng đã trồng năm trước, dù trước đây việc bàn bạc, ký hợp đồng không thông qua chính quyền xã, nhưng nay trước thực trạng bên kia phá hợp đồng, không thu mua cho bà con, xã Bản Cầm vẫn rất quan tâm tìm hướng tháo gỡ.
Trước mắt, Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp sẽ đứng ra mua một số lượng nhất định để làm giống cung cấp cho những hộ đã đăng ký trồng. Diện tích đao giềng còn lại, nếu đối tác (là hộ kinh doanh ở Lùng Vai, Mường Khương) phá hợp đồng, Hợp tác xã sẽ có gắng tìm cách giải quyết cho các hộ nông dân với mức thu mua khoảng 1.500 đồng/kg.
Là khu vực đặc biệt khó khăn của xã Bản Cầm, Khẩu Cồ hình thành cách đây hơn hai chục năm, khi 33 hộ đồng bào Mông từ vùng cao Si Ma Cai di cư về. Nằm ở địa điểm cao nhất của xã Bản Cầm, Khẩu Cồ có diện tích khá rộng và bằng phẳng nhưng do địa thế, khí hậu nên đời sống của người dân ở đây còn hết sức khó khăn. Nhiều năm nay, cấp uỷ, chính quyền xã luôn trăn trở, tìm nhiều mô hình sản xuất mới đưa vào Khẩu Cồ, song tất thảy đều không được như mong muốn. Cụ thể như thất bại trong việc liên kết của Dekalb Việt Nam trồng giống ngô lai DK8868 do SSC phân phối trên một diện tích rộng vào năm 2015, hay mới đây là liên kết cùng 01 hộ kinh doanh sản xuất và tiêu thụ cây đao giềng.
Quyết tâm tìm ra hướng đi hợp lý cho vùng đất này, thông qua việc thành lập Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp của xã Bản Cầm, bằng 02 hợp đồng đã được ký kết chi tiết,cụ thể với các doanh nghiệp lớn, chính quyền địa phương hy vọng, các mô hình liên kết sẽ thành công, đem lại sự tin tưởng cho người dân, giúp trên 30 hộ đồng bào Mông ở đây cải thiện thu nhập,mức sống đồng thời khẳng định việc liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm giữa nông dân với doanh nghiệp là hướng đi tất yếu trong sản xuất nông nghiệp của tỉnh hiện nay.
An Hồng
Bình luận
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết