Laocaitv.vn - Khu vực các xã biên giới của Lào Cai phần lớn là đồng bào các dân tộc sinh sống. Khi Quyết định 1385 của Chính phủ được thực hiện, cư dân có thêm nhiều điều kiện gắn bó với từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc. Với việc bà con liên kết để cùng trồng dứa trên quy mô lớn không chỉ dành cho xuất khẩu mà còn cung ứng cho việc chế biến, tiêu dùng trong nước.
Hiện, diện tích dứa của xã Bản Lầu, huyện Mường Khương là hơn 700 ha.
Bà con dân tộc Mông ở xã Bản Lầu, huyện Mường Khương vốn quen việc ruộng nương nay đã học hỏi cư dân nước bạn để mở rộng diện tích dứa lên đến hơn 700 ha. Ngoài việc bán cho thương lái thì trên địa bàn tỉnh, nhà máy sản xuất hoa quả chuối, dứa sắp đi vào hoạt động đã tạo niềm tin cho nông dân phát triển vùng nguyên liệu trên quy mô lớn.
"Chính quyền vận động người dân hợp tác với nhà máy, liên kết tiêu thụ sản phẩm về lâu dài, giá ổn định; kinh nghiệm cho thấy, bắt buộc phải có bao tiêu sản phẩm, phải có hợp đồng thì cây trồng mới ổn định được", ông Hoàng Văn Kiên, Chủ tịch UBND xã Bản Lầu, huyện Mường Khương nói.
Là đồng bào dân tộc thiểu số nhưng anh Lý Láo Sán ở thôn biên giới Nậm Sò, xã Bản Phiệt lại là người tiên phong trong việc trồng dứa theo tiêu chuẩn VietGAP. Thay đổi thói quen này rất khó khăn bởi tốn nhiều công lao động nhưng đổi lại, khi làm cỏ thủ công, dứa quả đảm bảo tiêu chuẩn an toàn và được được thu mua toàn bộ. Việc thực hiện bón phân cân đối, phù hợp với từng giai đoạn phát triển của cây nên quả dứa cũng đạt độ đồng đều cao, đẹp mã.
"Tôi thấy việc chăm sóc, phát triển cây dứa theo quy trình VietGAP thì quả dứa to, đều, đẹp hơn, ra thị trường được ưa chuộng hơn. Chính vì vậy, Nhân dân chúng tôi rất phấn khởi khi thực hiện trồng dứa theo quy trình này", anh Lý Láo Sán, thôn Nậm Sò, xã Bản Phiệt, huyện Bảo Thắng chia sẻ.
Theo kế hoạch, đầu tháng 4/2021, nhà máy chế biến xuất khẩu chuối, dứa Lào Cai sẽ chính thức đi vào hoạt động, đảm bảo tiêu thụ sản phẩm dứa quả và chuối cho nông dân khi thực hiện đúng hợp đồng liên kết.
Nông dân sản xuất dứa theo tiêu chuẩn VietGAP nên đạt năng suất và chất lượng khá cao.
Có đến 80% diện tích, tức vào khoảng 900 ha dứa của tỉnh Lào Cai đang được đồng bào dân tộc thiểu số canh tác và chủ yếu ở các địa phương biên giới. Dự kiến, năm nay sản lượng dứa quả lên tới 25.300 tấn. Như vậy, cùng với việc đảm bảo đủ nguyên liệu cho nhà máy hoạt động thì người nông dân vẫn có dứa xuất khẩu ra thị trường nước ngoài.
Ngọc Hà – Ngọc Dương
Bình luận
Tối thiểu 10 chữ
Tiếng việt có dấu
Không chứa liên kết
Bình luận
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết