Laocaitv.vn - Dứa, chuối vốn được xem là 2 cây trồng đem lại giá trị kinh tế cao và được nhiều xã vùng thấp của huyện Mường Khương xác định là cây giúp bà con làm giàu. Tuy nhiên, trước những tác động của tình trạng ô nhiễm môi trường, cũng như thị trường tiêu thụ, nhiều hộ dân giờ đây không còn mặn mà những cây trồng này. Trong bối cảnh đó, chè vốn được xem là cây trồng truyền thống của người dân nơi đây vẫn chứng minh được giá trị của mình và được người dân tiếp tục gửi trọn niềm tin.
Những cánh đồng chè xanh ngút ngàn chạy tít chân trời - giờ đây trở thành gam mầu nổi bật tại những xã vùng thấp của huyện Mường Khương. Trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm, nhưng cây chè vẫn đứng vững, vẫn trung thành với người dân nơi đây. Đặc biệt trong những năm gần đây, việc bao tiêu sản phẩm dễ dàng, giá cả ổn định, khiến nhiều hộ trồng chè có thêm niềm tin với cây trồng này. Cũng như nhiều hộ nông dân khác tại xã Bản Xen, những ngày này, gia đình chị Cao Thị Thanh, thôn Na Nối đang khá tất bật với việc thu hoạch chè. Để đảm bảo chè được hái đúng thời điểm, bán được giá cao, chị phải thuê thêm nhân lực là người địa phương. So với cây ngô trước đây, diện tích chè của gia đình chị đem lại nguồn thu cao hơn gấp 3-4 lần.
Người dân ở đây cho biết: Năng suất, giá chè tươi năm nay vẫn rất ổn định so với năm trước. Việc hỗ trợ giống, phân bón cũng như đảm bảo đầu ra cho sản phẩm đã khuyến khích người dân lựa chọn cây chè để phát triển kinh tế. Hiện nay, toàn xã Bản Xen, huyện Mường Khương có 637ha chè, trong đó có 500 ha là chè kinh doanh được trồng theo mô hình VietGap. Và chủ trương của xã trong những năm tiếp theo vẫn luôn xác định chè là cây trồng số một. Địa phương cũng đang tích cực vận động người dân mở rộng diện tích chè từ việc chuyển đổi cây trồng kém hiệu quả.
Bà con xã Lùng Vai thu hoạch chè (Ảnh: Báo Lào Cai)
Huyện Mường Khương hiện có trên 2 nghìn 400 ha chè tập trung ở các xã vùng thấp như: Lùng Vai, Thanh Bình, Bản Xen, Bản Lầu. Ngoài ra, gần 100ha chè Kim Tuyên đang được trồng thử nghiệm tại xã vùng cao Cao Sơn cũng hứa hẹn đem lại hiệu quả kinh tế rất cao. Tính đến thời điểm này, huyện Mường Khương mới tiến hành trồng mới được 50% diện tích chè so với kế hoạch giao đầu năm. Do ảnh hưởng của thời tiết, nên huyện Mường Khương đang gặp phải khó khăn trong việc triển khai kế hoạch trồng chè năm 2017. Tuy nhiên, theo ông Đinh Trọng Khôi- Phó chủ tịch UBND huyện Mường Khương thì huyện Mường Khương đang kết nối với các đơn vị cung ứng giống bên ngoài để có thể đủ nguồn giống phục vụ cho bà con, đảm bảo đúng kế hoạch trước khi năm 2017 khép lại. Yếu tố thời tiết thất thường, thị trường tiêu thụ bất ổn khiến nhiều loại cây nông nghiệp vốn rất được kỳ vọng nhưng giờ đem lại nỗi lo hơn là niềm vui cho người nông dân Mường Khương. Trong khi đó, cây chè vẫn phát triển ổn định, vẫn khẳng định được vị thế của mình ở huyện nghèo 30a này./.
Trung Kiên
Bình luận
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết