Laocaitv.vn - Nhằm bảo tồn và phát triển các loại cây dược liệu quý, cuối năm 2019, Khoa Nông – Lâm, Phân hiệu Đại học Thái Nguyên tại Lào Cai đã nghiên cứu và triển khai thực hiện mô hình nhân giống, bảo tồn các loại sâm quý của Việt Nam bằng công nghệ nuôi cấy mô tế bào. Sau một thời gian triển khai thực hiện, mô hình này đã cho kết quả khả quan.
Khoa Nông – Lâm, Phân hiệu Đại học Thái Nguyên tại Lào Cai đã nghiên cứu thành công mô hình nhân giống sâm Ngọc Linh bằng công nghệ nuôi cấy mô tế bào, mở ra hy vọng mới trong công tác bảo tồn và phát triển cây sâm Ngọc Linh – một loài cây dược liệu quý hiếm của Việt Nam.
Để có được thành công đó, cùng với hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ việc nuôi cấy mô tế bào vô cùng hiện đại, như phòng xử lý môi trường, phòng tách mô và nuôi cấy mô tế bào đảm bảo vô khuẩn tuyệt đối… các thành viên tham gia mô hình đã tính toán kỹ lưỡng các phương án đảm bảo để môi trường nuôi cấy gần tương đương với môi trường tự nhiên nhằm nâng cao tỷ lệ sống và phát triển cho cây.
Tiến sỹ Ngô Thanh Xuân, Trưởng Khoa Nông – Lâm cho biết: “Hiện, chúng tôi đã thành công trong kỹ thuật nuôi cấy mô giống sâm Ngọc Linh, tam thất hoang, sâm Lai Châu trong ống nghiệm và khoảng 6 đến 8 tháng nữa sẽ có giống đưa ra thị trường. Hy vọng thành công này sẽ góp phần thực hiện tốt việc bảo tồn, mở ra triển vọng cho việc phát triển và nâng cao giá trị kinh tế của các loại dược liệu quý”.
Hàng ngàn cây sâm Ngọc Linh được nhân giống bằng phương pháp nuôi cấy mô hiện đại.
Bên cạnh việc tập trung nghiên cứu, Khoa Nông - Lâm cũng tạo điều kiện để thầy cô giáo, nhất là các sinh viên trong khoa tham gia các mô hình để có cơ hội nâng cao kiến thức, kỹ năng thực hành với những trang thiết bị hiện đại. Một trong những yếu tố vô cùng quan trọng góp phần nâng cao chất lượng đào tạo và tăng cơ hội có việc làm cho sinh viên khi ra trường.
Sinh viên Bàn Văn Quân đang theo học ngành Khoa học cây trồng của Phân hiệu Đại học Thái Nguyên tại Lào Cai chia sẻ: “Tham gia các mô hình nuôi cấy mô, sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao em được thầy cô hướng dẫn kỹ hơn về các kỹ thuật khó, được làm quen với hệ thống thiết bị hiện đại… Từ đó, em được củng cố thêm kiến thức, kỹ năng thực hành để tự tin hơn trong quá trình học tập”.
Được tham gia vào các mô hình nghiên cứu, sinh viên có thể củng cố thêm kiến thức và kỹ năng thực hành.
Cùng với thành công bước đầu trong việc thực hiện mô hình nuôi cấy mô tế bào cây sâm Ngọc Linh, hiện nay, Phân hiệu Đại học Thái Nguyên tại Lào Cai còn có nhiều mô hình nghiên cứu khác như: Mô hình di thực và thuần hóa các loài sâm Ngọc Linh Lai Châu; mô hình nhân giống tam thất hoang của Si Ma Cai; nuôi cấy và nhân giống hoa lan, hoa hồng Sa Pa… Tất cả các mô hình này đều được thực hiện bằng phương pháp ứng dụng công nghệ cao với trang thiết bị hiện đại.
PGS.TS Hoàng Văn Hùng, Giám đốc Phân hiệu Đại học Thái Nguyên tại Lào Cai cho biết thêm: “Thời gian qua, nhà trường đã phát triển các mô hình nhân giống cây trồng bản địa, cây trồng quý hiếm; đồng thời, hỗ trợ các địa phương, các trường phổ thông về khoa học kỹ thuật để phát triển và nhân rộng các giống cây ra thực tế. Đặc biệt, với mô hình nhân giống các loại cây dược liệu quý, nhà trường mong muốn sẽ góp phần bảo vệ các loài cây này trước nguy cơ tuyệt chủng”.
Những thành công bước đầu đạt được sẽ là động lực để thầy và trò Khoa Nông – Lâm nói riêng, cán bộ giáo viên và sinh viên trong Phân hiệu Đại học Thái Nguyên tại Lào Cai nói chung tiếp tục đẩy mạnh đổi mới, nâng cao chất lượng dạy và học theo hướng gắn lý thuyết với thực hành; đồng thời, góp phần hỗ trợ tỉnh Lào Cai và các địa phương khác trong việc bảo tồn và nâng cao giá trị kinh tế của các loại cây trồng bản địa, cây dược liệu quý.
Mai Huệ - Minh Dũng
Bình luận
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết