ULaocaitv.vn - Theo thông tin từ Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, hiện nay, sâu keo đã xuất hiện tại 5 huyện, thành phố gồm: Si Ma Cai, Sa Pa, Bát Xát, Bắc Hà và thành phố Lào Cai với tổng diện tích trên 100 ha, gây thiệt hại lớn cho bà con nông dân. Các địa phương và ngành chức năng đang nỗ lực thực hiện các giải pháp phòng, trừ, hạn chế sự lây lan và thiệt hại do loại sâu này gây ra.
Sâu keo có tập tính ăn rất khỏe và đi ăn theo đàn.
Mùa vụ năm nay, gia đình anh Giàng A Hòa ở thôn Phìn Hồ, xã Y Tý, huyện Bát Xát có gần 2 ha trồng ngô chính vụ và lúa một vụ. Hiện, cây ngô đang trong giai đoạn làm bắp, lúa bước vào quá trình đẻ nhánh rộ, đứng cái. Tuy nhiên, từ cuối tháng 6 vừa qua anh Hòa phát hiện nhiều diện tích ngô, lúa của gia đình bị nhiễm sâu keo (hay còn gọi là sâu đàn) với mật độ khá dày và ngày càng lan rộng. Nhìn ruộng nương bị sâu ăn trụi lá, anh Hòa không khỏi lo lắng cho năng suất, sản lượng của mùa vụ năm nay. Anh Giàng A Hòa, thôn Phìn Hồ, xã Y Tý, huyện Bát Xát lo lắng bày tỏ: “Chưa năm nào tôi thấy nhiều sâu như năm nay, loại sâu keo này phát triển rất nhanh và ăn rất khỏe. Sau khi phát hiện tôi cũng phun thuốc rồi nhưng không lại được. Vì phun trừ sâu ở ruộng, nương nhà tôi có chết hết thì hôm sau nó lại kéo ở bờ cỏ vào không thể diệt tận gốc được. Giờ thì buồn lắm, vì diện tích này mọi năm tôi thu hàng tấn thóc, ngô năm nay thì không biết có được ăn hay không”.
Không chỉ gia đình anh Hòa, hiện toàn xã Y Tý có gần 90 ha/450 ha trồng lúa, ngô bị sâu keo gây hại. Tập trung ở các thôn Mò Phú Chải, Trung Chải, Phìn Hồ, Ma Cán Sử và Ngải Chồ. Ngay khi phát hiện, chính quyền địa phương đã phối hợp cùng cơ quan chức năng tuyên truyền, khuyến cáo nhân dân kiểm tra đồng ruộng nhằm phát hiện sớm sâu keo gây hại. Khoanh vùng, thống kê diện tích nhiễm và hướng dẫn nhân dân các biện pháp phòng trừ kịp thời, tránh lây lan sang diện rộng. Ông Ly Giờ Lù, Phó Chủ tịch UBND xã Y Tý, huyện Bát Xát cho biết: “Mọi năm sâu chỉ ở nương ngô, lúa nhưng năm nay có cả trong rừng, đồi cỏ. Chúng tôi cũng đã chỉ đạo bà con nhân dân phát quang bờ bụi cỏ quanh đồng, ruộng, cả trên nương đồi. Sau đó phun đồng loạt tại tất cả diện tích lúa, ngô, cỏ có sâu. Hiện nay, dịch bệnh đã và đang phát sinh thêm chúng tôi đã triển khai xuống thôn bản khẩn trương theo dõi để đôn đốc bà con dập dịch”.
Người dân cần chủ động khoanh vùng để phun thuốc phòng trừ sâu keo gây hại.
Với tập tính ăn rất khỏe và đi ăn theo đàn, sâu keo thường ăn cụt ngang thân cây con (đối với ngô nhỏ) hoặc ăn trụi hết lá ngô, chỉ để chừa lại gân lá (đối với ngô đã trưởng thành), hoặc ăn cụt toàn bộ lá lúa, gây ảnh hưởng lớn đến sinh trưởng của cây trồng. Khi hết thức ăn, chúng di chuyển hàng đàn từ ruộng này sang ruộng khác, từ vùng này sang vùng khác để phá hại, gây thiệt hại lớn nếu không phòng trừ kịp thời.
Dự báo từ giữa đến cuối tháng 7 sẽ có những lứa sâu keo nở rộ gây hại mạnh trên cây ngô, lúa nương và lúa một vụ vùng cao. Vì vậy, các địa phương cần khẩn trương tuyên truyền, hướng dẫn nhân dân cách nhận biết và các biện pháp khoanh vùng, xử lý kịp thời, hạn chế thấp nhất thiệt hại do sâu gây ra.
Vân Anh - Ngọc Dương
Bình luận
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết