Laocaitv.vn - Luôn đối mặt với khó khăn, nguy hiểm, nhưng bằng trách nhiệm của mình, các cán bộ, nhân viên Trung tâm Bảo tồn và Cứu hộ sinh vật, thuộc Vườn Quốc gia Hoàng Liên đã và đang nỗ lực, giúp hồi sinh hàng trăm cá thể động vật hoang dã quý hiếm, để chúng được trở về với môi trường tự nhiên, góp phần bảo tồn đa dạng sinh học.
Công tác cứu hộ, chăm sóc động vật hoang dã gặp nhiều khó khăn do điều kiện sinh sống mỗi loài mỗi khác nhau.
Đối với những cá thể gấu vốn to lớn, hung dữ, cho chúng ăn uống cũng như vệ sinh chuồng nuôi nhốt, hay điều trị bệnh... là những công việc này đều ẩn chứa rủi ro. Không riêng loài gấu, nhiều động vật khác đang được nuôi dưỡng, cứu hộ tại trung tâm cũng có bản năng hoang dã, gây khó khăn, nguy hiểm cho cán bộ, nhân viên làm nhiệm vụ tại đây. "Khỉ là một trong những loài rất hung dữ, nhiều khi chúng tôi và một số đồng nghiệp vào dọn vệ sinh cũng đã bị khỉ tấn công. Bên cạnh đó, một số loài khác cũng gây khó khăn trong quá trình chăm sóc", anh Chu Văn Tấn, Trung tâm Cứu hộ, Bảo tồn và Phát triển sinh vật, Vườn Quốc gia Hoàng Liên cho biết.
Thời gian qua, trung tâm đã tiếp nhận hàng trăm cá thể động vật mang thương tích do bị bẫy bắt, nhiều cá thể mất khả năng vận động đã được cứu hộ. Như cá thể cầy mốc, dù mới tiếp nhận chưa lâu trong tình trạng gẫy một chân do bị bẫy, được chăm sóc tốt, nay đã bình phục và không lâu nữa sẽ tái thả về tự nhiên. "Qua quá trình cứu hộ thì hiện tại chúng tôi đánh giá tỷ lệ cứu hộ đều đạt trên 85% trở lên; trong đó, có rất nhiều loài nguy cấp quý hiếm được ưu tiên bảo vệ", ông Lã Văn Tới, Giám đốc Trung tâm Cứu hộ, Bảo tồn và Phát triển sinh vật, Vườn Quốc gia Hoàng Liên nói.
Hiện, tổng số động vật đang được chăm sóc, bảo vệ tại trung tâm là 138 cá thể, thuộc 34 loài.
Với nhiều nỗ lực, từ đầu năm đến nay, trung tâm đã tiếp nhận 25 vụ, 41 cá thể, thuộc 14 loài. Trong đó, cứu hộ thành công là 40/41 cá thể; đồng thời tiến hành tái thả 47 cá thể về với môi trường tự nhiên. Hiện, tổng số động vật đang được chăm sóc, bảo vệ tại trung tâm là 138 cá thể, thuộc 34 loài. Trong đó, 116 cá thể thuộc danh mục động vật nguy cấp quý hiếm. "Mỗi loài có một yêu cầu về thức ăn, chăm sóc, sinh cảnh sống. Chính vì vậy, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, ngoài những kiến thức được học tập tại nhà trường và đúc kết qua quá trình thực tế thì chúng tôi cũng thường xuyên phải cử cán bộ đi tham gia các hội nghị, các lớp tập huấn về chuyên môn", ông Lã Văn Tới, Giám đốc Trung tâm Cứu hộ, Bảo tồn và Phát triển sinh vật, Vườn Quốc gia Hoàng Liên cho biết thêm.
Công tác cứu hộ, chăm sóc động vật hoang dã gặp nhiều khó khăn do điều kiện sinh sống mỗi loài mỗi khác nhau. Tuy nhiên, bằng nỗ lực và trách nhiệm của các các bộ, nhân viên, hàng trăm loài động vật hoang dã đã được cứu hộ, tái thả về với tự nhiên, góp phần bảo tồn nhiều loài động vật quý hiếm, đảm bảo đa dạng sinh học cho Vườn Quốc gia Hoàng Liên.
Thế Văn
Bình luận
Tối thiểu 10 chữ
Tiếng việt có dấu
Không chứa liên kết
Bình luận
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết