Laocaitv.vn - Thời điểm này, ở tất cả các địa phương trong tỉnh đã công bố hết bệnh dịch tả lợn châu Phi. Vì vậy, các hộ chăn nuôi đang tái đàn chăn nuôi trở lại. Tuy nhiên, vấn đề cần quan tâm, đó là việc tái đàn cần đảm bảo các điều kiện an toàn sinh học, hạn chế thấp nhất dịch bệnh phát sinh.
Theo chỉ đạo của ngành Nông nghiệp: Các địa phương cần quản lý chặt chẽ việc tái đàn, tăng đàn nuôi lợn của nông dân. Quản lý chặt chẽ các cơ sở nuôi lợn đực giống làm dịch vụ phối giống trực tiếp. Đối với người kiểm tra, điều trị lợn ốm phải thực hiện khử trùng triệt để dụng cụ, có đồ bảo hộ. Đối với hộ đã bị dịch bệnh tả lợn châu Phi, khi tái đàn phải thực hiện tiêu độc khử trùng chuồng nuôi, khu vực chăn nuôi. Trước khi tiếp nhận lợn giống phải khai báo thú y đối với chính quyền địa phương để quản lý theo dõi giám sát và phải thực hiện nuôi cách ly ít nhất 2 tuần trước khi nhập đàn.
Áp dụng quy trình chăn nuôi an toàn sinh học góp phần mang lại hiệu quả kinh tế cho nông dân.
Đối với các cơ sở có nguồn lợn nái, lợn đực giống tốt cần tích cực nhân giống, cung ứng con giống đảm bảo sạch bệnh, an toàn cho người chăn nuôi tái đàn, tăng đàn. Các cơ sở, hộ sản xuất lợn giống địa phương hoặc các hộ chăn nuôi tự sản xuất con giống có thể bình tuyển, chọn lọc đàn lợn nái hậu bị từ đàn lợn hiện có trên địa bàn.
Quá trình tái đàn, bà con cần áp dụng quy trình chăn nuôi an toàn sinh học, đảm bảo theo tiêu chuẩn VietGAP và theo hướng hữu cơ. Đây là biện pháp đảm bảo chăn nuôi an toàn và cho giá trị kinh tế cao.
Ngọc Hà – Việt Hoà
Bình luận
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết