Laocaitv.vn - Với giá trị kinh tế canh tác đạt 150 triệu đồng/ha; tỷ lệ hộ nghèo ước còn khoảng 20% vào cuối năm nay, cho thấy kinh tế, xã hội ở xã Điện Quan, huyện Bảo Yên đã có những bước phát triển mạnh mẽ, đời sống của người dân không ngừng được cải thiện và nâng cao. Đó là nhờ vào sự năng động, sáng tạo của những người nông dân dám nghĩ dám làm ở nơi đây.
Mô hình trồng cây chanh leo trong nhà màng của gia đình anh Nhính.
Với lợi thế về điều kiện đất đai và khí hậu, Điện Quan là một trong những địa phương được huyện Bảo Yên lựa chọn tập trung phát triển cây chanh leo. Cùng với sự quan tâm hỗ trợ về giống, vốn, kỹ thuật, nhiều hộ dân trên địa bàn xã Điện Quan đã mạnh dạn đầu tư đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả kinh tế của cây chanh leo. Mô hình trồng chanh leo trong nhà màng với diện tích 2.500 m2 của anh Triệu Văn Nhỉnh ở bản 6, xã Điện Quang là một trong những điển hình như vậy.
“Trước đấy trồng cây chanh leo quả ra rất nhiều nhưng bị côn trùng gây hại, trong khi đó liên kết với công ty nên họ yêu cầu rất khắt khe về chất lượng, mẫu mã. Vì vậy, tôi mạnh dạn đầu tư thực hiện mô hình này, cây phát triển trong nhà lưới tốt hơn ở ngoài rất nhiều”, anh Nhính chia sẻ.
Hiện, trên địa bàn xã Điện Quan có gần 70 hộ dân tham gia trồng chanh leo với diện tích lên tới trên 20 ha, năng suất trung bình ước đạt 12 - 15 tấn/ha/năm. Sản phẩm làm ra đang được Công ty Cổ phần Nafoods Tây Bắc thu mua để phục vụ chế biến nước ép hoặc xuất khẩu ra nước ngoài. Xã Điện Quan đang đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2021 diện tích trồng cây chanh leo ở địa phương sẽ đạt 30 ha.
Cùng với việc phát triển cây chanh leo, thời gian qua, người dân xã Điện Quan còn tận dụng lợi thế đất đồi để phát triển chăn nuôi, nhất là chăn nuôi gà thả đồi. Với số lượng lên tới 150.000 con, Điện Quan là xã có đàn gia cầm lớn nhất của huyện Bảo Yên. Có quy mô trên 3.000 con gà thịt được nuôi thả bán tự nhiên kết hợp với trồng cây ăn quả, như thanh long ruột đỏ, chanh và bưởi da xanh… trung bình mỗi năm mô hình kinh tế này mang lại cho gia đình ông Nguyễn Văn Thọ, ở bản 5 nguồn thu lên tới trên 1 tỷ đồng.
Đàn gà thịt được nuôi thả bán tự nhiên của gia đình ông Thọ.
“Mô hình kinh tế của gia đình tôi là mô hình kinh tế tổng hợp, chăn nuôi gà, lợn, cá và rừng cây. Gia đình thực hiện đầu tư phát triển chăn nuôi về kỹ thuật để lấy chất lượng đầu ra, giá thành đầu ra ổn định nhưng ít rủi ro hơn so với chăn nuôi công nghiệp”, ông Thọ cho biết.
“Ban chấp hành Hội Nông dân xã vận động hội viên phát triển kinh tế, trong đó có nhiều hộ gia đình đã thực hiện phát triển đàn gà theo hướng bền vững và theo chuỗi giá trị sản phẩm. Chúng tôi chỉ đạo các chi hội cơ sở nhân rộng các mô hình đã thực hiện hiệu quả trong thôn, trong xã để bà con Nhân dân học tập và làm theo”, ông Hoàng Kim Tranh, Chủ tịch Hội nông dân xã Điện Quan, huyện Bảo Yên cho biết.
Từ sự năng động, sáng tạo của người dân trong thực hiện chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi đã giúp Điện Quang ngày càng phát triển, đời sống người dân ngày càng nâng cao, tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm xuống. Đây là tiền đề, là động lực để Đảng bộ, chính quyền và người dân xã Điện Quan phấn đấu hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội trong nhiệm kỳ mới, về đích nông thôn mới trong thời gian sớm nhất.
Mai Huệ - Minh Dũng
Bình luận
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết