Phát huy hiệu quả hợp tác xã nông nghiệp

17:39 30-05-2020 | :535

Laocaitv.vn - Trên địa bàn tỉnh Lào Cai hiện có 165 hợp tác xã nông nghiệp và trên 4.000 tổ hợp tác sản xuất nông nghiệp, được thành lập và hoạt động mang tính tự nguyện, xuất phát từ nhu cầu hợp tác, tương trợ giúp đỡ nhau trong phát triển kinh tế hộ gia đình và giải quyết những khó khăn về đầu ra cho sản phẩm. Vì vậy, các hợp tác xã, tổ hợp tác đều hoạt động khá hiệu quả, phát huy tốt vai trò của mình.

Cây khoai lang đem lại thu nhập 80 triệu đồng/ha. (Ảnh minh họa).

Sau gần 2 năm thành lập và đi vào hoạt động, thu nhập bình quân của các thành viên trong Hợp tác xã Nông nghiệp và Dịch vụ Hòa Mạc (huyện Văn Bàn) đã đạt trung bình trên 8 triệu đồng/người/tháng. Đồng thời giải quyết việc làm cho nhiều lao động địa phương. Để có được thành công đó, các thành viên trong hợp tác xã đã tiến hành bàn bạc, phân tích nhu cầu của thị trường và tập trung đưa các giống cây trồng mới, gắn với ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Trong đó có việc trồng khoai lang ruột vàng, áp dụng công nghệ Nhật Bản đạt tiêu chuẩn VietGAP. Theo tính toán sơ bộ 1 ha khoai lang ruột vàng cho năng suất bình quân khoảng trên 15 tấn/ha, với giá bán trung bình 25.000 đồng/1kg, trừ chi phí sản xuất đạt trên 80 triệu đồng/ha. Cùng với đó, hiện nay Hợp tác xã Nông nghiệp và Dịch vụ Hòa Mạc đang thử nghiệm trồng cây măng tây trong hệ thống nhà màng. Qua hơn 2 tháng trồng thử nghiệm mô hình phát triển tốt, hứa hẹn nhiều thành công. Ông Hà Xuân Va, Giám đốc Hợp tác xã cho biết: "Cây măng tây này có ưu điểm là trồng 1 lần mà thu được từ 8 - 9 năm. Đây là mô hình trồng thử nghiệm, nếu hiệu quả sẽ trồng thêm trên 10 ha".

Thành công bước đầu của mô hình đã mở ra nhiều triển vọng mới, giải quyết những khó khăn trong phát triển nông nghiệp, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội địa phương. Ông Ngô Quang Trung, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Hòa Mạc, huyện Văn Bàn khẳng định: "Người dân xã Hòa Mạc tin tưởng vào việc áp dụng khoa học kỹ thuật công nghệ cao, từ khâu trồng đến khâu sản xuất, được bao tiêu sản phẩm, nên các hộ dân rất yên tâm. Năm 2020, HTX Hòa Mạc tiếp tục thuê 2 ha đất của người dân để đưa những giống mới vào trồng thử nghiệm, hiệu quả thì sẽ được nhân rộng ra cho bà con cùng thực hiện".

Còn đối với Hợp tác xã dịch vụ Nông nghiệp Tân Hợp, xã Hợp Thành, thành phố Lào Cai, ngay từ khi thực hiện đăng ký thành lập, Hội đồng quản trị đã chia hợp tác xã thành các tổ hợp tác, tổ liên kết sản xuất nhỏ để hoạt động, giúp khai thác được khả năng, thế mạnh của từng thành viên trong quá trình hoạt động. Từ đó hiệu quả hoạt động được nâng cao. Ông Vàng Văn Quân, thôn Kíp Tước 1, thành viên tổ hợp tác chế biến gỗ của Hợp tác xã dịch vụ Nông nghiệp Tân Hợp cho biết: "Trước tôi làm mộc phải đi xa nhà để làm, nhưng bây giờ không phải đi đâu nữa làm tại nhà luôn. Chúng tôi không phải mất công vận chuyển như trước hợp tác xã ngay gần nhà rồi". 

Cùng với tổ hợp tác chế biến đồ gỗ gia dụng, Hợp tác xã Tân Hợp còn thành lập tổ liên kết trồng trọt, chăn nuôi. Các tổ liên kết sản xuất được thực hiện theo hướng khuyến khích các thành viên tham gia thực hiện các mô hình sản xuất cây trồng, vật nuôi mới. Hiện nay, tổ liên kết đang chuẩn bị thực hiện mô hình phát triển cây măng tây. Cùng với việc tích cực học hỏi, tìm hiểu kỹ thuật trồng và chăm sóc cây măng tây, Hợp tác xã đã chuẩn bị các điều kiện cần thiết, đảm bảo cho mô hình phát triển hiệu quả và bền vững từ cây giống đến diện tích sản xuất. 

Từ hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã, tổ hợp tác nông nghiệp, năm 2020 Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh đã tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành kế hoạch nhân rộng mô hình, đưa trí thức trẻ tốt nghiệp cao đẳng, đại học về làm việc có thời hạn tại các hợp tác xã nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Lào Cai. Đây là tiền đề quan trọng giúp các đơn vị tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, thực hiện tốt hơn công tác quản lý và nâng cao hiệu quả hoạt động./.

Mai Huệ


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết