Phát huy vai trò của hợp tác xã, tổ hợp tác trong phát triển nông nghiệp hàng hóa

20:35 02-07-2022 | :1209

Laocaitv.vn - Nỗ lực đổi mới phương thức hoạt động, các hợp tác xã (HTX) nông nghiệp trên địa bàn tỉnh đã tổ chức lại sản xuất, đầu tư, liên kết, liên doanh gắn với chuỗi giá trị, góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển nông nghiệp hàng hóa của tỉnh Lào Cai đến năm 2030. Thông qua hợp tác liên kết, sẽ tạo điều kiện để xây dựng những vùng nguyên liệu lớn, đưa tiến bộ khoa học vào sản xuất, khắc phục được những nhược điểm của mô hình kinh tế hộ nhỏ, lẻ.

Thành lập tháng 11/2021, HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Cầu Mây ở xã Cam Cọn, huyện Bảo Yên làm nhiệm vụ thu mua, sơ chế các sản phẩm quế của huyện và khu vực lân cận. Hiện, HTX đang tạo việc làm cho gần 30 lao động với thu nhập ổn định. Và quan trọng hơn là từ khi HTX thành lập, người trồng quế ở Cam Cọn tiêu thụ sản phẩm thuận lợi, giá tốt.

Anh Lý Văn Cầu, Giám đốc HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Cầu Mây cho biết: "Diện tích quế của xã Cam Cọn rất lớn nên chúng tôi muốn đứng ra thu mua. HTX đến tận các hộ gia đình để thu mua, bà con không phải vận chuyển xa để bán. Đến nay, HTX đã thu mua khoảng trên 100 tấn quế cho bà con".

Xã Cam Cọn đang dần hình thành những vùng chuyên canh hàng hoá, như vùng trồng chuối ngự gần 70 ha, vùng quế hơn 1.000 ha và hàng chục ha cây ăn quả khác. 2 HTX nông nghiệp đã ra đời, đang tích cực đồng hành cùng sự phát triển các cây trồng chủ lực này.

Ông Lý Văn Bảo, Bí thư Đảng ủy xã Cam Cọn, huyện Bảo Yên cho biết thêm: "Xã tập trung chỉ đạo định sản xuất theo hướng liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị; thành lập các mô hình HTX để hướng tới mục đích sản xuất các sản phẩm theo hướng hàng hóa, để cung cấp trong và ngoài tỉnh và hướng tới xuất khẩu".

Xã Cam Cọn, huyện Bảo Yên đã hình thành nhiều vùng chuyên canh hàng hóa.

 

Toàn tỉnh hiện có trên 250 HTX và hàng nghìn tổ hợp tác. Hầu hết đang hoạt động hiệu quả, góp phần giải quyết được những tiêu cực như tranh mua, tranh bán, ép giá... Đồng thời làm thay đổi tư duy, nhận thức của người dân về sản xuất nông nghiệp hàng hóa.

Ông Lê Thanh Hoa, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mường Khương cho biết: "Từ sản xuất tự phát sang hàng hóa, liên kết với doanh nghiệp bước đầu người dân vẫn còn bỡ ngỡ, chính quyền cũng chưa có kinh nghiệm. Chúng tôi đã nắm được những hạn chế và tham mưu cho UBND huyện ban hành kế hoạch, phân công nhiệm vụ rõ ràng, thành lập các tổ hợp tác theo khu vực dân cư để người dân tham gia".

Lào Cai đã và đang thực hiện nhiều giải pháp nhằm đưa nông sản của tỉnh trở thành hàng hóa có giá trị cao.

Xác định hướng đi của nông nghiệp hàng hóa là "không dàn hàng ngang", mà phải "đi sau về trước", tỉnh Lào Cai đã và đang có nhiều giải pháp để thúc đẩy sự tham gia của các HTX, tổ hợp tác trong các chuỗi liên kết sản xuất, chế biến nông, lâm sản. Từ đó đưa nông sản của Lào Cai trở thành hàng hóa có giá trị, thiết thực nâng cao đời sống của nông dân.

 Thu Hường - Nông Quý


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết