Laocaitv.vn - Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, nhất là sự vào cuộc tích cực của lực lượng kiểm lâm, nhận thức của đồng bào các dân tộc Lào Cai về công tác bảo vệ, phát triển rừng gắn với phát triển nông nghiệp ngày càng chuyển biến tích cực. Góp phần tăng diện tích, chất lượng rừng trồng, nâng cao tỷ lệ tán che phủ.
Được tuyên truyền về hiệu quả kinh tế rừng, gia đình chị Lò Mùi Khé quyết định chuyển đổi 3 ha đất kém hiệu quả sang trồng cây lát hoa. Với khu rừng trồng 7 năm tuổi, đường kính trung bình mỗi gốc từ 50 – 80 cm, cùng 2 ha quế và mỡ phủ xanh đồi trọc, chị Khé hy vọng vài năm nữa gia đình sẽ có nguồn thu khá từ rừng.
Đồi cây lát hoa của gia đình chị Khé sinh trưởng, phát triển tốt.
Chị Lò Mùi Khé, thôn Lũng Pô, xã A Mú Sung, huyện Bát Xát cho biết: “Những ngày nắng nóng thì mình phát dọn dưới tán sạch sẽ để cây phát triển, cỏ thì mình để ở dưới gốc làm phân luôn, không đốt để tránh cháy rừng”.
Chị Giàng Gánh - Trưởng Ban công tác Mặt trận, thôn Lũng Pô, xã A Mú Sung, huyện Bát Xát chia sẻ: “Tôi hay đi làm cùng bà con nên thường xuyên tuyên truyền, nhắc nhở bà con vào mùa khô hanh phát dọn xong nếu muốn đốt thì phải gom vào một khu nhất định, tránh lây lan sang khu vực khác”.
Bà con phát dọn thực bì trên nương đồi.
Còn tại huyện vùng cao Si Ma Cai, những buổi phối hợp tuyên truyền, tuần tra rừng giữa Hạt kiểm lâm huyện, chính quyền và thôn bản đã giúp bà con hiểu hơn các quy định về bảo vệ, phòng, chống cháy rừng khi sản xuất gần rừng phòng hộ. Đồng thời, phát huy vai trò của các tổ bảo vệ rừng, nhất là quy ước, hương ước thôn, bản, mục tiêu là bảo vệ tốt trên 10.000 ha rừng của địa phương.
Lực lượng kiểm lâm hướng dẫn bà con cách sử dụng lửa khi đi làm nương, rẫy.
Ông Trần Thế Cương, Hạt Kiểm lâm huyện Si Ma Cai nhấn mạnh: “Lực lượng kiểm lâm kết hợp trong các buổi họp thôn, cúng rừng, họp dòng họ, các hội nghị tuyên truyền pháp luật tại địa phương để đẩy mạnh công tác tuyền truyền về phương pháp làm nương rẫy an toàn. Nghiêm cấm trong những ngày nắng nóng kéo dài, mức dự báo cấp 4 - 5 thì không sử dụng lửa bừa bãi”.
Chị Giàng Thị Tùng, thôn Mản Thẩn, xã Quan Hồ Thẩn, huyện Si Ma Cai cho biết: “Mình thường xuyên được tuyên truyền về bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng, đốt nương cách rừng tối thiểu là 15 mét, khi đốt thì phải đợi lửa tàn thì mới về”.
Bằng nhiều giải pháp tuyên truyền, vận động, nhận thức, ý thức của người dân, nhất là đồng bào các dân tộc thiểu số về bảo vệ, phòng, chống cháy rừng đã có chuyển biến tích cực, góp phần bảo vệ tốt trên 382.000 ha của toàn tỉnh, nâng cao thu nhập từ kinh tế rừng cho người dân.
Thào Sếnh
Bình luận
Tối thiểu 10 chữ
Tiếng việt có dấu
Không chứa liên kết
Bình luận
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết