Phát triển rừng gắn với chế biến lâm sản tại chỗ

10:01 22-09-2022 | :434

Laocaitv.vn - Là địa phương có diện tích rừng kinh tế lớn, do vậy, để nâng cao giá trị lâm nghiệp, huyện Bảo Thắng khuyến khích chế biến lâm sản tại chỗ, tạo thành chuỗi sản phẩm, nâng cao thu nhập cho người trồng rừng.

Xưởng bóc gỗ của gia đình ông Vũ Đức Thuân (ở thôn Mom Đào, xã Thái Niên, huyện Bảo Thắng) hoạt động gần 10 năm nay. Thời gian đầu chưa có tiềm lực về tài chính, ông mua lại máy móc cũ; khi có lợi nhuận, ông đầu tư thêm nhiều thiết bị mới. Với một dây chuyền liên hoàn từ khâu cắt, tỉa gỗ rồi bóc thành ván ép đạt tiêu chuẩn, vào thời kỳ cao điểm, cơ sở tạo việc làm cho khoảng 20 lao động, doanh thu từ 5 - 7 tỷ đồng mỗi năm. “Nếu một khúc gỗ ngày trước chỉ để làm củi thì nay có thể tận dụng làm ra sản phẩm có giá trị khoảng 20.000 đồng, cũng vì thế mà trước đây thu nhập của bà con trồng rừng là rất thấp. Xuất phát từ chỗ đó nên tôi mở xưởng bóc gỗ và ở đây cũng có nhiều người cũng mở xưởng", ông Thuân cho biết thêm.

Tương tự, xưởng sản xuất đồ mộc của anh Phạm Văn Định ở thị trấn Phong Hải cũng hoạt động thường xuyên. Sản phẩm chủ yếu là đồ gia dụng thiết yếu như: bàn ghế, giường tủ, chạn bát, kệ để giày dép… được tiêu thụ tốt, lợi nhuận đạt từ 15 - 20 triệu đồng/tháng.

Anh Phạm Văn Định chia sẻ: “Gỗ tự nhiên, gỗ xoan ở đây giá thành thấp mà chất lượng rất tốt, không như gỗ nhập giá thành cao, người dân ở đây không sử dụng được. Sản phẩm của cơ sở làm ra tới đâu là tiêu thụ cũng hết tới đó”.

Nhiều cơ sở chế biến lâm sản ra đời giúp nâng cao thu nhập người trồng rừng ở địa phương.

Giai đoạn 2021 - 2026, thị trấn Phong Hải xác định phát triển kinh tế lâm nghiệp gắn với quản lý, bảo vệ tài nguyên rừng; mở rộng diện tích trồng mới, đảm bảo vùng nguyên liệu phục vụ chế biến.

Ông Phùng Ngọc Hoàng, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Phong Hải, huyện Bảo Thắng cho biết: “Hiện tại, các cơ sở chế biến đồ mộc trên địa bàn cơ bản đáp ứng được nhu cầu của người dân. Sản phẩm được làm từ chính những cây trồng của người dân, đảm bảo đáp ứng được yêu cầu của các xưởng chế biến, chế tác trên địa bàn”.

Với mục tiêu đến năm 2025, có trên 100.000 ha rừng trồng, huyện Bảo Thắng chú trọng mở rộng diện tích, nâng cao chất lượng gắn với chế biến lâm sản. Trong đó, thu hút đầu tư một nhà máy chế biến gỗ, cùng một số dự án của các đơn vị, cá nhân; sản xuất các sản phẩm từ gỗ với công suất trên 200.000 m3/năm, góp phần nâng cao giá trị kinh tế rừng.

Ngọc Minh – Nông Quý


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết