Laocaitv.vn - Hiện, Bảo Thắng đang là huyện dẫn đầu của tỉnh Lào Cai về số xã và số thôn, bản đạt chuẩn nông thôn mới. Với 21/77 sản phẩm OCOP toàn tỉnh, chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đang là bước đi quan trọng để huyện tiếp tục thực hiện thắng lợi chương trình xây dựng nông thôn mới, trở thành huyện nông thôn mới đầu tiên ở vùng biên cương Lào Cai.
Trưng bày các sản phẩm của Hợp tác xã Nông sản dược liệu Mạnh Hương.
Với lợi thế là địa phương có nhiều mặt hàng nông sản đặc trưng, nhiều sản phẩm làng nghề truyền thống, đồng thời huyện vốn là vùng trọng điểm sản xuất nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ của tỉnh. Người dân Bảo thắng có kinh nghiệm sản xuất, khả năng tiếp cận thị trường nhạy bén, năng động. Trong quá trình thực hiện chương trình OCOP gắn với xây dựng nông thôn mới, huyện Bảo Thắng phấn đấu xây dựng mỗi xã có một sản phẩm chủ lực đặc trưng, có thương hiệu, có giá trị. Đây được xem là giải pháp khai thác hiệu quả tiềm năng lợi thế ở mỗi địa phương, tạo sức bật trong quá trình xây dựng nông thôn mới của huyện.
Thực tế cho thấy, sau hơn 2 năm triển khai chương trình OCOP, nhiều sản phẩm truyền thống, đặc trưng của huyện Bảo Thắng khẳng định được lợi thế trên thị trường. Năm 2018, 2019, toàn huyện có 15 sản phẩm được tỉnh công nhận sản phẩm OCOP 3 sao. Năm 2020, huyện đã có thêm 6 sản phẩm được chứng nhận OCOP, gồm Quế ống sáo Tân Hợi, Trứng gà sạch Kim Thành, Ớt xào núi Mường, Tương ớt bản Mường, Quả dứa, Quả na (huyện Bảo Thắng), nâng tổng số sản phẩm OCOP của huyện đến thời điểm hiện tại là 21 sản phẩm đạt sao OCOP cấp tỉnh. Ngoài ra, Bảo Thắng có 29 sản phẩm, vật phẩm tiềm năng có thể phát triển, tham gia OCOP từ nay đến giai đoạn 2025. Việc các sản phẩm được xếp hạng sẽ là nguồn lực mới để các địa phương trong huyện khai thác, tạo sức bật cho phát triển kinh tế, góp phần xây dựng nông thôn mới ở địa phương.
Hợp tác xã Nông sản dược liệu Mạnh Hương là một trong những hợp tác xã tiêu biểu, đi đầu trong chương trình OCOP của huyện với 4 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP 3 sao cấp tỉnh, gồm Tinh bột nghệ đỏ nếp nguyên chất, Tinh bột nghệ đen nguyên chất, Tinh bột nghệ viên mật ong và Tinh bột sắn dây. “Mùa nào thứ nấy, các mặt hàng của đơn vị thu mua về rất phong phú trước khi đưa vào sản xuất, sơ chế đóng thành sản phẩm, như Nấm hương Sa Pa, Củ hoàng sin cô, Tam thất, Bột/viên hà thủ ô, Viên trinh nữ hoàng cung cao xạ đen, Bột/viên tinh bột nghệ, Bột sắn dây... Đặc biệt, vài năm trở lại đây, chúng tôi nhận thấy nhu cầu thị trường nên đã đẩy mạnh sản xuất các sản phẩm từ nghệ để người dân có thêm lựa chọn trong việc tìm sản phẩm chăm sóc sức khỏe”, ông Nguyễn Tiến Mạnh, Giám đốc Hợp tác xã Nông sản dược liệu Mạnh Hương cho biết.
Bưởi Múc xã Thái Niên đã được công nhận là sản phẩm hạng 3 sao OCOP cấp tỉnh.
Tại xã Thái Niên, khi nhãn hiệu Bưởi Múc được công nhận là sản phẩm đạt hạng 3 sao OCOP cấp tỉnh. Mỗi nông dân trồng bưởi trong xã đã có ý thức, trách nhiệm trong việc bảo vệ thương hiệu sản phẩm của địa phương bằng cách cùng nhau thành lập hợp tác xã để quả bưởi có đầu ra ổn định, đã khẳng định bước tiến mới cho sản phẩm này trên thị trường và tạo điều kiện để giống bưởi Múc phát triển, mở rộng thị trường khắp các địa bàn trong và ngoài xã. Nhờ vậy, đến nay, xã Thái Niên đã có nhiều mô hình trồng bưởi, vườn bưởi cổ thụ, vườn bưởi kiểu mẫu có quy mô diện tích lớn, chủ động áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào phát triển cây bưởi theo hướng VietGAP, sản phẩm hữu cơ được hình thành. Hiện, toàn xã có 2.700 hộ dân thì có trên 200 hộ trồng bưởi, tổng diện tích gần 200 ha, đem lại nguồn thu nhập đáng kể cho người dân. “Từ khi được công nhận trở thành sản phẩm OCOP, sản phẩm Bưởi Múc của chúng tôi có thị trường đầu ra rộng mở hơn. Trước đây, sản phẩm này đã có nhưng chủ yếu chỉ bán trong vùng, nay không những khách trong tỉnh mà nhiều tỉnh ngoài đã biết đến, tin dùng”, bà Nguyệt Anh, Chủ nhiệm Hợp tác xã bưởi Múc xã Thái Niên cho biết.
Ghé thăm cơ sở Quế ống sáo Tâm Hợi, xã Sơn Hà, một trong những cơ sở vừa được tổ thẩm định chương trình Mỗi xã một sản phẩm tỉnh Lào Cai chấm điểm đạt sản phẩm 3 sao OCOP cấp tỉnh năm 2020. Khi bắt tay vào thực hiện ý tưởng sản xuất quế xuất khẩu Cơ sở quế ống sáo Tâm Hợi phải đối mặt với muôn vàn khó khăn, như thiếu vốn, kết nối thị trường tiêu thụ, nhất là những vấn đề liên quan đến chất lượng sản phẩm. Sau khi Cơ sở Tâm Hợi được tiếp cận với nguồn vốn từ Ngân hàng Nông nghiệp đã đầu tư sản xuất. Đến nay, cơ sở hoạt động ổn định, chủ yếu thu mua, chế biến và xuất khẩu vỏ quế sang thị trường Ấn Độ và Singapore. Cơ sở tạo việc làm cho 30 lao động, lương tháng từ 6 - 7 triệu đồng/tháng/lao động.
Sản phẩm Quế ống sáo của Cơ sở Tâm Hợi vừa đạt 3 sao cấp tỉnh.
Sản phẩm Quế ống sáo của Cơ sở Tâm Hợi được coi là một trong những sản phẩm tiềm năng thế mạnh tại địa phương. Góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao thu nhập, đời sống cho người dân và thực hiện hiệu quả nhóm tiêu chí “Kinh tế và tổ chức sản xuất” trong Bộ tiêu chí Quốc gia về xã nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020.
Có thể thấy, sau hành trình 10 năm xây dựng nông thôn mới, Bảo Thắng đã thu nhiều “trái ngọt”. Từ một huyện nghèo với xuất phát điểm vô cùng thấp, tỷ lệ hộ nghèo còn khá cao thì nay bộ mặt nông thôn của huyện đã có nhiều khởi sắc. Chương trình OCOP tuy mới thực hiện nhưng đã hòa nhịp ngay và có tác động tích cực vào kết quả xây dựng nông thôn mới của huyện. Sản phẩm OCOP đã thúc đẩy tích cực cho phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh các sản phẩm truyền thống, tạo khả năng cạnh tranh, được người tiêu dùng quan tâm. Giờ đây, chính quyền và người dân các địa phương trong huyện đang hướng đến mục tiêu cao hơn là phát huy lợi thế sẵn có để sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, tập trung theo chuỗi giá trị, từng bước đưa nông thôn mới phát triển theo chiều sâu, hiệu quả và bền vững. Chương trình OCOP đang được kỳ vọng sẽ tạo nên sức bật mới để thực hiện thành công chương xây dựng nông thôn mới ở địa phương.
Thanh Nga - Duy Trinh
Bình luận
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết