Phát triển trồng dâu, nuôi tằm theo hướng áp dụng công nghệ cao

06:02 28-03-2019 | :3924

Laocaitv.vn - Bắt đầu từ năm 2017, huyện Bảo Yên đưa cây dâu vào trồng để lấy lá nuôi tằm, thành công và khả năng nhân rộng của mô hình là rất khả quan, Dự án trồng dâu nuôi tằm trên bãi đất ven sông suối thường xuyên bị ngập lụt được thực hiện ở 6 tỉnh miền núi Tây Bắc, trong đó có tỉnh Lào Cai đang thực hiện, mở ra một hướng phát triển kinh tế mới, góp phần giảm nhẹ tác động tiêu cực do thiên tai gây ra. Việc trồng dâu, nuôi tằm áp dụng công nghệ cao ở Bảo Yên đang được xem là nghề mới, tạo thu nhập cao và bền vững cho bà con nơi đây.

Gia đình chị Hoàng Thị Ngân chuyển đổi những chân ruộng hạn sang trồng dâu

Ở khu vực làng Tân Bèn, xã Vĩnh Yên, nhiều hộ dân đã chuyển đổi những chân ruộng hạn sang trồng dâu, đồng thời, áp dụng kỹ thuật trồng dâu không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hay phân hóa học, đây là điều kiện để tiến tới việc nuôi tằm thành công. Có 3 yếu tố để tạo nên thành công của nghề trồng dâu, nuôi tằm ứng dụng công nghệ cao của huyện Bảo Yên, đó chính là lựa chọn giống dâu, quy trình trồng dâu an toàn và lựa chọn giống tằm cho năng suất kén cao để triển khai nuôi trên quy mô lớn. Toàn bộ giống cây dâu đang được trồng ở huyện Bảo Yên đều là giống lai F1, gồm VH9, VH13 và VH15, cả 3 giống này có đặc điểm là bản lá to, dày, mềm và bóng. Qua thực tế trồng và chăm sóc của nông dân huyện Bảo Yên trong 2 năm qua cho thấy, năng suất lá đạt trung bình từ 30 đến 45 tấn mỗi ha, những giống dâu này cho lá quanh năm, chất lượng lá tốt, hệ số nhân giống cao, thích ứng rộng với nhiều vùng sinh thái khác nhau, chống chịu tốt với sâu bệnh, điều kiện ngoại cảnh bất lợi như hạn hoặc úng nước. Trên thực tế, khi trồng dâu, chỉ bón lót phân chuồng và một lượng nhỏ phân bón tổng hợp NPK, quá trình chăm sóc, nếu cây dâu phát sinh dịch bệnh thì ưu tiên cho việc sử dụng thiên địch, diệt sâu bằng phương pháp thủ công hoặc thuốc thảo mộc và có thời gian cách ly an toàn. Sử dụng chậu nuôi tằm nhỏ là phép thử khi hộ nuôi tằm bị thiếu lá dâu phải mua của các hộ khác hoặc khi cây dâu bị bệnh phải sử dụng thuốc thảo mộc để phòng trừ. Mỗi lượt lá mới, hộ nuôi sẽ cho vài con tằm ăn thử, nếu những con tằm này không bị chết thì mẻ lá đó mới an toàn và có thể cho cả lứa tằm ăn được. Điều này cũng thể hiện rõ nét, yếu tố an toàn trong trồng dâu nuôi tằm, một phần của việc trồng dâu nuôi tằm công nghệ cao đang được nông dân Bảo Yên thực hiện.

 

Về giống tằm, HTX dịch vụ và nông nghiệp Tiến Đạt đang cung ứng giống tằm Tứ Nguyên 1827 để nông dân nuôi thương phẩm. Đây là giống tằm cho kén trắng được lai tạo, chọn lọc thành công ở Trung tâm Nghiên cứu Dâu tằm tơ Trung ương, giống tằm to, vòng đời ngắn, ăn lá dâu khỏe nên qua thực tế chăm sóc, nông dân Bảo Yên đã nuôi đạt từ 18 đến 20 kg kén cho một vòng trứng. Cá biệt, có hộ chăm sóc tốt ở giai đoạn tằm ăn rỗi đã đạt đến 29 kg kén cho một vòng trứng. Khi trồng dâu, nuôi tằm, nông dân sẽ được HTX cung ứng giống dâu, phổ biến kỹ thuật trồng, chăm sóc và hỗ trợ mỗi nong tằm giống là 200 nghìn đồng. Nghĩa là nông dân không mất tiền mua giống, phần việc của mỗi hộ dân là trồng dâu an toàn và nuôi tằm thương phẩm. Trong điều kiện thời tiết nắng ấm, mỗi lứa tằm nuôi thương phẩm, chỉ mất khoảng 9 đến 10 ngày là tằm vào kén, được gọi là một vòng nuôi. Trong điều kiện chăm sóc tốt, chỉ trong khoảng 10 ngày, nông dân sẽ có thu hoạch khoảng 20 kg kén và được HTX thu mua tại thời điểm này là 120 nghìn đồng mỗi kg kén. Chị Trần Thị Lam, xã Vĩnh Yên, huyện Bảo Yên chia sẻ: "Cấy 1 sào ruộng, 1 vụ cho thu hoạch 2 tạ thóc, nhưng 1 lứa tằm nuôi bán đi đã được mấy tạ thóc rồi, đấy là mình mới hái có 1 đợt, nếu mình làm cả 1 vụ thì được gấp mấy lần thóc, kinh tế, hiệu quả thì thấy rõ rồi. Trồng dâu chỉ cần trồng 1 lần, từ sang năm mình chỉ phải thu hoạch thôi, trong thời gian tới chúng tôi sẽ mở rộng diện tích trồng dâu nuôi tằm, gia đình tôi còn 3 ha tôi trồng dâu hết".

HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Tiến Đạt cam kết đảm bảo đầu ra cho bà con

Toàn bộ sản phẩm là kén tằm đều được HTX Nông nghiệp và dịch vụ Tiến Đạt cam kết thu mua với giá là 100.000 đồng/kg. Tuy nhiên, trên thực tế, HTX Tiến Đạt đang thu mua là 120.000 đồng/kg và giá thu mua này sẽ điều chỉnh tăng phù hợp với giá của thị trường, luôn đảm bảo có lãi cho người nông dân. Theo tính toán của HTX, khi giá sàn xuống thấp nhất, người trồng dâu, nuôi tằm vẫn có thể thu được 443 triệu đồng trên mỗi ha trong một năm. Cách làm linh hoạt này giúp HTX ngày càng có điều kiện để mở rộng quy mô sản xuất. HTX cũng đang ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm với các hộ nông dân liên kết trồng dâu, nuôi tằm trên địa bàn các xã Minh Tân, Việt Tiến và nhiều xã ở các huyện khác, đồng thời, chủ động ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm kén tằm với các nhà máy ươm tơ. Trong thời gian tới, HTX Tiến Đạt dự định sẽ tuyên truyền để nông dân mở rộng vùng nguyên liệu lên 500 ha và xây dựng nhà máy ươm tơ ngay tại địa phương, nếu trồng 500 ha và năng suất kén tằm đạt như hiện nay, thì nhà máy cần đâu tư ít nhất là 3 dây truyền kéo sợi. Riêng vốn đầu tư dây chuyền kéo sợi vào khoảng 7 tỷ 500 triệu đồng, cùng với đó, là xây dựng nhà xưởng và kho chứa nguyên liệu. HTX Tiến Đạt dự kiến cần khoảng 10 tỷ đồng để vừa làm nhà xưởng, vừa đầu tư dây chuyền và mở rộng vùng nguyên liệu là điều kiện giúp nông dân trong vùng yên tâm mở rộng vùng nguyên liệu và đầu tư trồng dâu nuôi tằm ở quy mô lớn hơn. Ông Đỗ Văn Tiến, Phó Giám đốc HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Tiến Đạt, huyện Bảo Yên cho biết: "Áp dụng khoa học kỹ thuật nuôi tằm 2 giai đoạn thì người nuôi tằm rất nhàn, so với lao động khác thì thu nhập từ cây tằm nhanh hơn. HTX chúng tôi đầu tư 100% giống dâu, hỗ trợ giống tằm và chịu trách nhiệm kỹ thuật, cầm tay chỉ việc để người dân làm ra kén".

Đoàn công tác huyện Bảo Yên tham quan Nhà máy ươm tơ tỉnh Lâm Đồng

Dâu tằm được Bảo Yên xác định là một trong 5 loại cây trồng được huyện tập trung chỉ đạo phát triển trong thời gian tới, nhằm chuyển đổi cơ cấu cây trồng trong nông nghiệp, nâng cao hiệu quả kinh tế, tăng thu nhập cho nông dân. Để nông dân yên tâm sản xuất, UBND huyện sẽ chỉ đạo cơ quan chuyên môn rà soát công tác quy hoạch vùng sản xuất, đề xuất cơ chế hỗ trợ để mở rộng vùng nguyên liệu; giám sát việc thực hiện hợp đồng liên kết sản xuất và tiêu thụ kén tằm giữa các hộ nông dân với HTX Tiến Đạt là đơn vị đầu tư và tiêu thụ sản phẩm kén tằm. Đồng thời, đề xuất với UBND tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các cơ quan liên quan xem xét, có cơ chế hỗ trợ kinh phí phát triển trồng dâu, nuôi tằm trên địa bàn huyện Bảo Yên, giai đoạn 2019 - 2020 và những năm tiếp theo. Ông Nguyễn Việt Hà, Phó Chủ tịch UBND huyện Bảo Yên cho biết: "Để xây dựng nhà máy ươm tơ, trước hết, chúng tôi sẽ kêu gọi các doanh nghiệp trên địa bàn của huyện cũng với cơ chế chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết 12 của HĐND tỉnh để tạo điều kiện mở nhà máy ươm tơ nhằm đảm bảo đầu ra ổn định cho bà con nhân dân nuôi tằm".

Mô hình phát triển ngành nghề nông nghiệp với sự tham gia của HTX là một hướng đi mới và tất yếu trong sản xuất nông nghiệp hàng hóa được huyện Bảo Yên khuyến khích phát triển mạnh mẽ trong những năm gần đây, nhằm nâng cao giá trị sản phẩm, nâng cao thu nhập, hạn chế rủi ro, tạo tính ổn định, bền vững trong việc sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Quan trọng hơn, đó là khai thác được hiệu quả kinh tế trên những vùng đất khó khăn để nông dân có thể làm giàu bền vững.

Ngọc Hà - Nông Quý


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết