Phát triển vùng dược liệu trọng điểm Sa Pa

14:54 19-08-2022 | :327

Laocaitv.vn - Thực hiện Nghị quyết số 10 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ về Chiến lược phát triển nông nghiệp hàng hoá tỉnh Lào Cai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, thị xã Sa Pa xác định cây dược liệu là một trong những cây trồng chủ lực, phấn đấu đến năm 2025, trở thành vùng cây dược liệu trọng điểm của tỉnh.

Thị xã Sa Pa phấn đấu đến năm 2025, trở thành vùng cây dược liệu trọng điểm của tỉnh.

Năm 2022, thị xã Sa Pa được UBND tỉnh giao kế hoạch trồng 180 ha cây dược liệu, đến nay diện tích đã trồng là 210 ha, vượt xa so với kế hoạch được giao. Gia đình anh Mã A Cau ở tổ 2, phường Hàm Rồng trồng 1 ha cây atiso trên đất vốn trồng ngô trước đây. Mỗi năm, cây atiso mang về cho gia đình anh khoảng 120 triệu đồng, gấp nhiều lần so với trồng ngô. Anh Mã A Cau chia sẻ: "Lúc đầu gia đình tôi được hướng dẫn cách trồng atiso, giờ tôi tự trồng được và tự chăm sóc, khi thu hoạch cũng có công ty mua hết. Đời sống gia đình tôi cũng khá lên".

Trên địa bàn thị xã hiện có 6 công ty, hợp tác xã đầu tư sản xuất và chế biến được khoảng 5.800 tấn dược liệu tươi/năm, cung cấp ra thị trường trên 100 sản phẩm chế biến từ cây dược liệu. Vì vậy đầu ra của cây dược liệu tương đối ổn định. Ông Đỗ Tiến Sỹ, Giám đốc Công ty Traphaco Sa Pa cho biết: "Hằng năm chúng tôi đều có cam kết và ký hợp đồng thu mua các sản phẩm dược liệu của Nhân dân. Thơi gian qua mỗi năm tăng sản lưởng từ 10 đến 15%".

Các sản phẩm chế biến từ cây dược liệu ở Sa Pa.

Hiện nay, thị xã Sa Pa có 210 ha cây dược liệu gồm: actiso, chùa dù, chè dây, đương quy, tía tô và các loại cây dược liệu dùng để chế biến sản phẩm Thuốc tắm người Dao đỏ. Doanh thu từ cây dược liệu đạt trên 30 tỷ đồng/năm. Thị xã phấn đấu đến năm 2025 có khoảng 400 ha cây dược liệu. Ông Phan Đăng Toàn, Bí thư Thị ủy, Chủ tịch HĐND thị xã Sa Pa cho biết: "Dược liệu là 1 trong 2 cây chủ lực của thị xã Sa Pa. Hiện chúng tôi đã xác định vùng sản xuất dược liệu sẽ tập trung tại các xã, phường Ngũ Chỉ Sơn, Tả Phìn, Hàm Rồng, Sa Pả…".

Nhằm nâng cao giá trị của dược liệu, Sa Pa cũng sẽ xây dựng cơ sở thu mua, sơ chế, chế biến và bảo quản dược liệu; tăng cường, khuyến khích thu hút các doanh nghiệp, tạo chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm ổn định; khai thác hiệu quả và bảo tồn cây dược liệu bản địa có giá trị kinh tế và y dược, để cây ược liệu thực sự là cây trồng chủ lực, mang lại nguồn thu nhập cao cho người dân.

Đức Tính – Xuân Anh


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết