Phụ nữ dân tộc thiểu số làm kinh tế hợp tác xã

09:48 29-06-2022 | :115

Laocaitv.vn - Những năm gần đây, tại Lào Cai đã xuất hiện ngày càng nhiều phụ nữ dân tộc thiểu số đứng ra lãnh đạo hợp tác xã. Với sự quyết tâm, sáng tạo, họ đã thể hiện bản lĩnh, sự tự tin để vươn lên làm giàu chính đáng và khẳng định được vai trò, vị thế của mình trong xã hội.

Hợp tác xã nông, lâm, nghiệp Vạn An tạo việc làm thường xuyên cho các lao động là phụ nữ tại địa phương.

Nắm bắt được nhu cầu sử dụng các loại trà từ thảo mộc, trái cây sấy khô, tháng 10/2021, Hợp tác xã nông, lâm, nghiệp Vạn An được thành lập do chị Ngân Thị Trang, dân tộc Tày ở thôn Liên, xã Liêm Phú, huyện Văn Bàn làm Giám đốc. Trung bình mỗi ngày Hợp tác xã cung ứng ra thị trường khoảng 15.000 gói trà thảo mộc, trà hoa viên với giá bán ổn định, doanh thu đạt khoảng 900 triệu đồng/tháng; đồng thời tạo việc làm thường xuyên cho gần 30 lao động là phụ nữ tại địa phương với mức thu nhập từ 5-6 triệu đồng/người/tháng. Chị Trang chia sẻ: "Hiện tại tôi đang trồng một vài nguyên liệu phù hợp với khí hậu địa phương. Tôi đang cho bà con nhân rộng ra để cung ứng đầu vào cho sản phẩm, kiểm soát được chất lượng nguyên liệu để cho ra sản phẩm tự nhiên nhất".

Bà Vi Thị Hưởng, thôn Liêm, xã Liêm Phú, huyện Văn Bàn cho biết: "Ở nhà làm ruộng, trông cháu không có thu nhập gì. Bây giờ hợp tác xã hoạt động chúng tôi làm trong xưởng thì có thu nhập hằng ngày. Chị em làm thì cũng rất vui, phấn khởi".

Còn tại xã Tả Phìn, thị xã Sa Pa, trên cơ sở thế mạnh của địa phương và phát huy giá trị của nghề truyền thống, năm 2019, chị Lý Tả Mẩy, dân tộc Dao đỏ đã gắn kết các hộ dân trong vùng để thành lập Hợp tác xã du lịch cộng đồng xã Tả Phìn với 38 thành viên, chủ yếu là phụ nữ. Hợp tác xã chia thành 5 nhóm hoạt động bao gồm homestay, nhóm hướng dẫn viên bản địa, nhóm trải nghiệm thuốc tắm người Dao, nhóm làng nghề truyền thống và trekking leo núi. Chị Lý Tả Mẩy, Giám đốc Hợp tác xã Cộng đồng Tả Phìn, thị xã Sa Pa cho biết: "Trước đây làm nhỏ lẻ thì còn cạnh tranh về chất lượng, giá cả nhưng sau khi thành lập hợp tác xã thì cũng giúp bà con đưa được chất lượng dịch vụ tốt nhất đến với khách hàng".

Phụ nữ Dao đỏ sản xuất thuốc tắm.

Nhận thức rõ tầm quan trọng của các mô hình kinh tế tập thể, thực hiện đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, giai đoạn 2017-2025”, Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh đã ký kết chương trình phối hợp với Liên minh hợp tác xã về phát huy vai trò của phụ nữ, nhất là phụ nữ dân tộc dân tộc thiểu sốDTTS trong phát triển kinh tế hợp tác; làm tốt vai trò cầu nối, kết nối các nguồn lực hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, thành lập các mô hình kinh tế tập thể. Bà Vũ Thị Tân, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Lào Cai cho biết: "Chúng tôi bám sát, tập trung khai thác các nguồn lực để hỗ trợ, nâng cao quyền năng, phát triển kinh tế cho phụ nữ chủ hộ kinh doanh, phụ nữ tham gia quản lý trong các hợp tác xã, tổ hợp tác. Để thực hiện mục tiêu này, chúng tôi luôn bám sát Nghị quyết 10 của Tỉnh ủy về phát triển nông nghiệp hàng hóa, Đề án 939 của Thủ tướng Chính phủ".

Với một tỉnh vùng cao, biên giới như Lào Cai thì việc ngày càng nhiều phụ nữ nói chung, phụ nữ người dân tộc thiểu số nói riêng tham gia làm chủ các mô hình Hợp tác xã cho thấy sự tiến bộ rõ rệt của những người phụ nữ vốn quanh năm chỉ biết lo lắng việc trong bếp, dưới sàn. Họ đã từng bước chứng tỏ bản lĩnh, vị thế của mình trong xu thế hội nhập và phát triển của đất nước./.

Huyền Trang – Minh Dũng


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết