Gia đình anh Xô (áo trắng) đã mạnh dạn đầu tư xây bể để nuôi cá tầm kết hợp với thử nghiệm nuôi cá koi.
Cách đây 5 năm gia đình anh Hoàng Văn Xô ở thôn Trĩ Trong là 1 trong 2 hộ dân đầu tiên ở địa phương đã mạnh dạn bỏ ra trên 100 triệu đồng để đầu tư làm hệ thống dẫn nước từ trên núi xuống và xây bể để nuôi cá tầm kết hợp với thử nghiệm nuôi cá koi. Từ mô hình kinh tế này, kết hợp với phát triển sản xuất nông nghiệp gia đình anh Xô đã từng bước thoát nghèo và trở thành hộ khá, giàu trong thôn. Anh Xô chia sẻ: "Nuôi con cá này mang hiệu quả kinh tế khá tốt, khí hậu ở đây cũng rất phù hợp. Gia đình tôi không thống kê rõ ràng nhưng nuôi cá này có thu nhập cao hơn nuôi lợn, nuôi gà".
Từ hiệu quả kinh tế mang lại, nhiều hộ gia đình ở các thôn vùng cao của xã Phúc Khánh hiện đang tiếp tục đầu tư xây dựng mới, mở rộng quy mô chăn nuôi loại cá được coi là cá "nhà giàu" này với mong muốn khai thác hiệu quả tiềm năng sẵn có của địa phương để phát triển kinh tế. Bà Chiêu Thị Len, thôn Trĩ Ngoài, xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên chia sẻ: "Năm trước tôi đầu tư gần 200 triệu xây dựng 1 bể cá tầm, nuôi thấy nó phát triển tốt lắm, ít bị bệnh, bán được 230.000 - 250.000 đồng/kg. Năm nay gia đình tôi lại đầu tư xây thêm 1 bể nữa để có thêm thu nhập, cuộc sống khấm khá hơn".
Nuôi cá tầm có hiệu quả, gia đình bà Len tiếp tục đầu tư thêm bể.
Xã Phúc Khánh hiện đang có 6 mô hình chăn nuôi cá nước lạnh với quy mô trung bình từ 3.000 - 5.000 con mỗi lứa và mang lại thu nhập ổn định cho các hộ chăn nuôi. Vì vậy việc khuyến khích nhân rộng và đảm bảo mô hình phát triển bền vững hiện đang được xã Phúc Khánh quan tâm đẩy mạnh. Ông Nông Thế Mạnh, Chủ tịch UBND xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên cho biết: "Xã tiếp tục kêu gọi bà con Nhân dân phát triển tiếp mô hình cá tầm. Xã cử cán bộ khuyến nông vào đồng hành và hỗ trợ bà con Nhân dân. Giống cá này rất khỏe, ít bệnh. Chúng tôi kêu gọi các nhà hàng, quán giải quyết đầu ra cho bà con".
Cùng với các loại cây trồng, vật nuôi truyền thống, việc thử nghiệm thành công và có lộ trình phát triển, mở rộng diện tích chăn nuôi cá nước lạnh, cá làm cảnh, xã Phúc Khánh đang kỳ vọng sẽ nâng thu nhập bình quân của người dân địa phương lên đạt khoảng 33 triệu đồng/năm vào cuối năm nay, tăng lên 38 triệu đồng vào năm 2023, để về đích nông thôn mới theo đúng kế hoạch đề ra.
Mai Huệ - Minh Dũng
Bình luận
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết