Sản xuất công nghiệp - khó khăn nội tại

15:36 29-09-2023 | :254

Laocaitv.vn - Vốn được kỳ vọng có sự bứt phá trong năm 2023, nhưng đã qua 3/4 chặng đường, lĩnh vực sản xuất công nghiệp của tỉnh lại đang gặp khó khi giá trị giảm mạnh so với cùng kỳ. Tiêu thụ chậm, giá bán thấp, thiếu nguồn quặng đầu vào là những nguyên nhân khiến bức tranh công nghiệp thời gian qua có nhiều mảng tối. Cùng với đó là một số dự án nhà máy sản xuất công nghiệp chưa được khởi công do những vướng mắc về mặt thủ tục hoặc nguồn vốn. 

Tiêu thụ chậm, giá bán thấp, thiếu nguồn quặng đầu vào là những nguyên nhân khiến ngành công nghiệp gặp khó khăn.

Bước sang năm 2023, hầu hết các sản phẩm công nghiệp chủ lực của Lào Cai gặp khó về thị trường tiêu thụ. Giá từ phân bón, đồng tấm cho đến phốt pho giảm mạnh, thậm chí là chạm đáy. Như giá phốt pho vàng của nhà máy hóa chất Đức Giang, chỉ trong vài tháng đã giảm từ 7.000 USD/tấn xuống còn 3.800 USD/tấn, khiến mọi chỉ số về sản lượng, doanh thu của nhà máy đều giảm gần một nửa so với cùng kỳ. Vì thế đã tác động lớn đến giá trị sản xuất công nghiệp chung của tỉnh. Ông Đặng Tiến Đức, Phó Giám đốc Công ty hoá chất Đức Giang cho biết: "Giá bán hàng của một số mặt hàng giảm tương đối sâu, phốt pho vàng giảm 45%, Axit giảm tỉ lệ tương ứng. Về phía Công ty hoá chất Đức Giang tìm thêm đối tác nước ngoài tiêu thụ sản phẩm và chế biến sâu hơn"

Trong khi đó, bài toán thiếu quặng, nhất là quặng Apatit vẫn chưa có lời giải. Hàng loạt dự án khai thác quặng không thể khai thác do vướng mắc chủ yếu liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng. Đơn cử như dự án khai thác quặng Apatit với công suất 500.000 m3/năm, vì 5 hộ dân không chịu đền bù mà phải ngừng khai thác từ nửa năm nay. Ông Bùi Quyết Thắng, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Toàn Thắng cho biết: "Không thể giải phóng mặt bằng để triển khai dự án, do khai trường co hẹp lại. Gần 100 đầu xe máy thiết bị đang đắp chiếu không có khai trường hoạt động, hơn 100 cán bộ công nhân viên nghỉ chờ việc". 

Các đơn vị đang tiếp tục đưa ra các giải pháp để hoàn thành kế hoạch đề ra.

Khan hiếm nguồn quặng, tiêu thụ chậm, giá nhiên liệu, điện liên tục tăng khiến nhiều nhà máy hoạt động cầm chừng, thậm chí dừng sản xuất. Bởi vậy, chủ động tiết giảm chi phí sản xuất, đảm bảo việc làm cho người lao động là giải pháp được hầu hết các doanh nghiệp tính đến. Ông Lê Anh Tuấn, Phó Giám đốc Nhà máy Tuyển Apatit Bắc Nhạc Sơn, Công ty TNHH MTV Apatit Việt Nam cho biết: "Nâng cao năng suất thiết bị, tăng cường giám sát tại hiện trường phát huy tối đa dây chuyền thiết bị, đảm bảo mục tiêu của công ty giao. Đơn vị phát động thi đua sáng kiến cải tiến kỹ thuật, một số giải pháp, mang giá trị". 

Tính đến hết tháng 9, giá trị sản xuất công nghiệp đạt trên 31.500 tỷ đồng, giảm 9,5% so với cùng kỳ, bằng 61,6% kế hoạch năm. Như vậy, để cán mốc trên 51.000 tỷ đồng, nhiệm vụ trong 3 tháng cuối năm của ngành Công nghiệp là rất nặng nề./.

Trung Kiên- Xuân Anh


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết