Sản xuất không gắn với bảo tồn – Nguy cơ mất đi một loại dược liệu dân gian quý

18:36 29-07-2020 | :1265

Laocaitv.vn - Ngoài gỗ thì những cây dưới tán rừng cũng quan trọng không kém trong việc tạo nên sự đa dạng của rừng. Tuy nhiên, thời gian qua, cùng với việc trồng thảo quả, đương quy thì việc thu hái dược liệu ở rừng tự nhiên một cách quá đà cũng làm mất đi đa dạng sinh học ở nhiều tán rừng.  

Cao gắm của người Tày ở xã Liêm Phú, huyện Văn Bàn được chiết xuất từ thân cây gắm, một loại cây dây leo mọc trong rừng già. Cao gắm hiện là sản phẩm quý trên thị trường bởi có thể hạn chế và phòng ngừa các bệnh về xương khớp, giải độc gan, lợi tiểu, đặc biệt hiệu quả làm tiêu viêm và giảm các cơn đau do bệnh gout gây ra... Hiện, trên địa bàn thôn Liêm, xã Liêm Phú có hơn 20 hộ tham gia sản xuất cao gắm, nguồn thu từ loại sản phẩm này bình quân lên tới trên dưới 10 triệu đồng một tháng. Cá biệt, có hộ thu nhập trên 30 triệu đồng/tháng từ cao gắm.

Cao gắm được nhiều người tin dùng và đang mang loại nguồn thu nhập cao cho người sản xuất.

Lãnh đạo UBND xã Liêm Phú cho biết, việc phát triển sản xuất cao gắm không chỉ tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho hàng chục hộ dân mà còn góp phần giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, thu hút du khách đến với địa phương. Ông Trần Tiến Dũng, Phó Chủ tịch UBND xã Liêm Phú cho biết thêm: “Trong thời gian tới, bên cạnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền, xã sẽ định hướng cho người dân trong quá trình sản xuất phải tuân thủ đúng quy trình vệ sinh an toàn thực phẩm, đăng ký nhãn hiệu độc quyền, như vậy giá trị của sản phẩm sẽ được nâng lên”.

Tuy nhiên, do nhu cầu khai thác tăng mạnh trong những năm gần đây, nguồn nguyên liệu để sản xuất cao gắm đang đứng trước nguy cơ cạn kiệt. Theo các hộ sản xuất, để có một kg cao gắm sẽ phải tốn từ 20 đến 40 kg nguyên liệu, ứng với từng loại dây. Trong đó, loại dây tốt nhất phải có từ 15 năm tuổi trở lên, dưới 15 năm hàm lượng cao sẽ giảm dần. Trong khi đó, loại cây này phát triển tái sinh rất chậm, sản lượng nguyên liệu hiện đang giảm mạnh, mai một dần theo thời gian…  

Chị Nguyễn Thị Tình, Chủ tịch Hội phụ nữ xã Liêm Phú, huyện Văn Bàn cho biết: “Hội phụ nữ xã đã thành lập nhóm nấu cao thảo dược, chủ yếu là cao gắm. Loại cao này sử dụng rất hiệu quả nên được khách hàng ưa chuộng. Tuy nhiên, hiện nay nguồn nguyên liệu phải phụ thuộc vào tự nhiên, xã chưa có vườn ươm để nhân giống phục vụ sử dụng lâu dài”.

Nguồn dược liệu nấu cao gắm đang dần cạn kiệt do việc khai thác tăng mạng nhưng không chú trọng phát triển nguồn nguyên liệu.

Như vậy, loại cây dược liệu quý này đang phải đối mặt với sự suy giảm từng ngày và nguy cơ cạn kiệt nguồn nguyên liệu đang dần hiện hữu. Một sản phẩm du lịch kết tinh từ tri thức bản địa đặc sắc có nguy cơ mất đi, người dân cũng sẽ mất đi một nguồn sinh kế quan trọng nếu không có biện pháp bảo tồn kịp thời. Do vậy, bên cạnh việc quan tâm xây dựng thương hiệu, nâng tầm giá trị các loại dược liệu bản địa, các địa phương cũng cần phối hợp với ngành chức năng trong công tác quản lý khai thác gắn với việc chăm sóc, bảo vệ, thành lập các vườn ươm trồng dược liệu để mang lại thu nhập bền vững cho người dân.

Thế Văn - Nông Quý


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết