Tăng sức cạnh tranh sản phẩm chè trên thị trường trong nước và thế giới

18:51 31-03-2020 | :376

Laocaitv.vn - Là một trong những vùng sản xuất chè lớn của cả tỉnh Lào Cai, chất lượng, thương hiệu đã được khẳng định, huyện Mường Khương xác định chè là cây trồng chủ lực để nông dân phát triển kinh tế và làm giàu. Vì vậy, huyện đã tập trung ưu tiên các nguồn lực đầu tư phát triển chè theo hướng vừa mở rộng quy mô diện tích, vừa nâng cao chất lượng, tăng sức cạnh tranh trên thị trường trong nước và thế giới.

Chè là loại cây trồng truyền thống ở xã Thanh Bình, huyện Mường Khương, tuy nhiên, từ vài năm trở lại đây, cây trồng này mới thực sự phát huy được thế mạnh của mình khi sản phẩm làm ra đã được Công ty TNHH một thành viên chè Thanh Bình bao tiêu toàn bộ, đem lại nguồn thu nhập cao và ổn định cho người dân trong xã. Trồng chè từ hơn 06 năm nay, hiện gia đình ông Lồ Vùi Lèng, thôn Tả Thền, xã Thanh Bình đã có gần 1 ha chè đang trong kỳ cho thu hoạch. Nhờ trồng chè, mà gia đình ông Lèng nay đã có một cuộc sống sung túc, đủ đầy hơn. Ông Lèng chia sẻ: “Tính ra thu nhập của trồng chè cao hơn nhiều so với ngô, nó ổn định hơn, không mất mùa, mất giá, tháng nào cũng có thu, nếu trồng chè nhiều là có thể làm giàu được”.

Thưc hiện Đề án Tái cơ cấu kinh tế nông - lâm nghiệp, giai đoạn 2016 – 2020 của Tỉnh ủy Lào Cai, Ban Chấp hành Huyện ủy Mường Khương đã ban hành Đề án số 01, ngày 12/5/2016 về phát triển ổn định vùng nguyên liệu, đẩy mạnh thâm canh, nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm chè Mường Khương, giai đoạn 2016 – 2020. Huyện Mường Khương đã hoàn thành việc rà soát, quy hoạch chi tiết vùng sản xuất nguyên liệu chè đến năm 2020, với diện tích 3.100 ha tại 67 thôn, bản của 08 xã thuộc 02 khu vực vùng thấp và vùng cao. Trong đó diện tích quy hoạch tại các xã khu vực vùng thấp là 2.100 ha, các xã vùng cao 1.000 ha. Tuy nhiên do nhu cầu phát triển, chuyển dịch cơ cấu cây trồng theo hướng nâng cao giá trị thu nhập trên đơn vị diện tích, huyện Mường Khương tiếp tục mở rộng, bổ sung quy hoạch thêm 765 ha, đưa tổng diện tích chè toàn huyện đến năm 2020 lên 3.865 ha. Chè Mường Khương luôn cho năng suất cao và ổn định nếu đầu tư thâm canh đúng quy trình kỹ thuật, mặt khác chất lượng chè Mường Khương luôn được người tiêu dùng ưa chuộng, bởi chất lượng vượt trội so với các vùng chè khác trên địa bàn tỉnh và các tỉnh lân cận. Nếu thâm canh tốt, mỗi ha chè cho thu nhập trung bình từ 60 – 80 triệu đồng, thậm trí 100 triệu đồng/ha, gấp 3 – 4 lần so với các loại cây lương thực truyền thống. Nhận thức được hiệu quả kinh tế từ cây chè mang lại, cùng với sự quan tâm chỉ đạo của cả hệ thống chính trị từ huyện đến các thôn, bản, Nhân dân các dân tộc trên địa bàn huyện đã phát triển vùng nguyên liệu chè.

Đồi chè hữu cơ ở xã Cao Sơn, huyện Mường Khương.

Một trong những yếu tố quan trọng góp phần thực hiện thành công phát triển vùng nguyên liệu chè như hiện nay, đó là sự hợp tác liên kết tiêu thụ sản phẩm chè búp tươi ổn định cho Nhân dân trong suốt thời gian qua. Hiện trên địa bàn huyện có 02 doanh nghiệp thu mua, chế biến chè búp tươi, gồm: Công ty Cổ phần chè Thanh Bình với công suất chế biến 20.000 tấn chè búp tươi/năm và Công ty Mường Hoa, với dây truyền chế biến chè Ô Long xuất khẩu đã bao tiêu toàn bộ nguyên liệu chè Kim Tuyên tại các xã Cao Sơn, La Pán Tẩn. Đến nay Công ty Cổ phần chè Thanh Bình đã được Cục sở hữu trí tuệ cấp chứng nhận đăng ký nhãn hiệu “Chè Shan Mường Khương”, Công ty Mường Hoa được Cục sở hữu trí tuệ cấp chứng nhận nhãn hiệu “Chè Ô Long Cao Sơn”. Phần lớn sản lượng chè của các doanh nghiệp đã được xuất khẩu sang thị trường Trung Đông và Đài Loan với hàng rào về vấn đề an toàn thực phẩm nghiêm ngặt, nên từ đầu mỗi vụ sản xuất, các doanh nghiệp đều tiến hành kí hợp đồng với người dân. Ông Ma Seo Mậu, Phó Chủ tịch UBND xã Thanh Bình cho biết: "Vào đầu vụ, các công ty đã thực hiện ký kết bao tiêu sản phẩm, cung ứng vật tư, đào tạo kỹ thuật cho người dân, việc liên kết này sẽ đảm bảo tính bền vững trong sản xuất và kinh doanh ngành hàng chè. Hiện nay bà con trong xã đang tập trung mở rộng, chăm sóc cây chè vì có đầu ra ổn định”.

Với tiềm năng, lợi thế về đất đai, khí hậu, lao động và cơ chế hỗ trợ của Nhà nước, sự liên kết tiêu thụ sản phẩm chè búp tươi của các doanh nghiệp trên địa bàn, huyện Mường Khương tiếp tục quy hoạch bổ sung và tổ chức trồng mới chè trên cơ sở chuyển đổi các diện tích trồng cây nông nghiệp kém hiệu quả, đất chưa sử dụng. Phấn đấu đến năm 2030, tổng diện tích chè toàn huyện đạt 5.418 ha áp dụng quy trình sản xuất an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, đảm bảo tiêu chuẩn xuất khẩu và phục vụ thị trường nội địa. Đồng thời, tăng cường tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho người trồng chè như: Kỹ thuật bón phân, đốn, phòng trừ sâu bệnh, thu hái nhằm phát huy tối đa tiềm năng năng suất chè. Góp phần nâng cao giá trị thu nhập trên đơn vị diện tích, nâng cao hiệu quả kinh tế cho người trồng chè tạo động lực mạnh mẽ trong quá trình thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới./.

Thế Long


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết