Laocaitv.vn - Sau hơn 1 năm triển khai thực hiện mô hình “Chăn nuôi lợn đen bản địa an toàn dịch bệnh, hiệu quả, bền vững dựa vào quản lý cộng đồng” ở thôn Sản Chư Ván, xã Thải Giàng Phố, huyện Bắc Hà, đã góp phần thúc đẩy phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hóa, tăng thu nhập cho nông dân địa phương.
Tham gia mô hình “Chăn nuôi lợn đen bản địa an toàn dịch bệnh, hiệu quả, bền vững dựa vào quản lý cộng đồng”, anh Lù Seo Anh, ở thôn Sản Chư Ván, xã Thải Giàng Phố, huyện Bắc Hà, được tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi lợn an toàn sinh học, nhất là cách phối trộn thức ăn với tỷ lệ hợp lý, phù hợp từng giai đoạn sinh trưởng của vật nuôi. Sau 6 tháng nuôi, trọng lượng bình quân mỗi con lợn đạt 70 kg, việc tiêu thụ cũng thuận lợi, giá bán cao.
Anh Lù Seo Anh cho biết: "Tôi tham gia mô hình, được đi tập huấn về kỹ thuật chăn nuôi lợn ở xã, ở huyện, được xã tạo điều kiện cho đi học hỏi kinh nghiệm ở nhiều địa phương. Tham gia mô hình nuôi lợn, đầu ra ổn định hơn".
Tham gia mô hình nuôi lợn đen bản địa giúp các hộ dân ở thôn Sản Chư Ván, xã Thải Giàng Phố, huyện Bắc Hà nâng cao thu nhập.
Với gia đình anh Lục Seo Diu, ở thôn Sản Chư Ván, khi tham gia mô hình, anh được Hội Nông dân xã Thải Giàng Phố tín chấp cho vay 50 triệu đồng để mua con giống. Tiếp đó, gia đình đã đầu tư xây 2 khu chuồng nuôi lợn nái và lợn thịt. Với đàn lợn đen luôn duy trì hơn chục con, trừ đi mọi chi phí, mỗi lứa gia đình anh thu về 60 triệu đồng.
Anh Lục Seo Diu chia sẻ: "Trước đây, tôi không tham gia vào mô hình, ai đến nhà hỏi mua thì bán, không thì tự mổ mang ra chợ bán. Giờ tham gia mô hình, khi đăng bán thì có rất nhiều khách, giá cả cũng cao hơn 2 - 3 giá so với thị trường".
Chăn nuôi an toàn sinh học giúp hạn chế rủi ro dịch bệnh.
Mô hình “Chăn nuôi lợn đen bản địa an toàn dịch bệnh, hiệu quả, bền vững dựa vào quản lý cộng đồng” được Hội Nông dân huyện Bắc Hà triển khai tại thôn Sản Chư Ván từ đầu năm 2023, với 12 thành viên. Thông qua tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật đã giúp người dân chuyển từ chăn nuôi truyền thống sang an toàn sinh học, hạn chế rủi ro dịch bệnh, biết cách tổ chức sản xuất, liên kết tiêu thụ sản phẩm. Quá trình thực hiện, giá trị kinh tế của đàn lợn tăng khoảng 20% so với chăn nuôi truyền thống và đang được địa phương khuyến khích nhân rộng.
Ông Hoàng Mạnh Thắng, Phó Chủ tịch UBND xã Thải Giàng Phố, huyện Bắc Hà cho biết thêm: "Hội Phụ nữ, Hội Nông dân và các ban, ngành, đoàn thể tích cực tuyên truyền, vận động bà con đi tham quan, học hỏi kinh nghiệm các mô hình ở các địa phương. Từ đó, người dân sẽ nhìn thấy hiệu quả để tự giác triển khai và nhân rộng những mô hình khác".
Thời gian tới, cấp ủy, chính quyền xã Thải Giàng Phố sẽ thành lập tổ hợp tác nông dân cùng liên kết chăn nuôi lợn an toàn sinh học; đồng thời, hỗ trợ các tổ tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi để mở rộng quy mô chăn nuôi, tạo việc làm tại chỗ, giúp các hộ dân nâng cao thu nhập.
Trung Hiếu
Bình luận
Tối thiểu 10 chữ
Tiếng việt có dấu
Không chứa liên kết
Bình luận
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết