Laocaitv.vn - Thời điểm này, gần 10.000 ha lúa xuân chính vụ của tỉnh Lào Cai đã bước vào giai đoạn phân hóa đòng, chuẩn bị trỗ bông. Ðể sản xuất vụ lúa xuân 2019 đảm bảo thắng lợi, một trong những chỉ đạo mà ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Lào Cai đặc biệt lưu ý, đó là các địa phương cần tập trung phòng trừ tốt bệnh đạo ôn cổ bông. Loại sâu bệnh này hiện vẫn đang xuất hiện rải rác trên trà lúa xuân của các huyện, thành phố và dự báo sẽ lây lan trên diện rộng, đe dọa mất trắng mùa màng nếu các địa phương và bà con nông dân không tổ chức khoanh vùng, phun thuốc phòng trừ kịp thời.
LTừ những ngày đầu tháng 4, bệnh đạo ôn lá và đạo ôn cổ bông đã xuất hiện trên trà lúa xuân 2019 của các huyện, thành phố trên địa bàn toàn tỉnh với tổng diện tích lúa bị nhiễm bệnh khoảng 300 ha. Trong đó, riêng huyện Bát Xát có 70 ha trà xuân cực sớm tại xã Bản Qua bị nhiễm nặng. Mặc dù tại thời điểm đó, ngay sau khi phát hiện bệnh, ngành NN&PTNT đã phối hợp với chính quyền địa phương chỉ đạo bà con nông dân phun thuốc phòng trừ sâu bệnh; song đến thời điểm hiện tại vẫn có khoảng 10 ha trà xuân cực sớm của xã Bản Qua đã bị cháy chòm, mất trắng do bà con nông dân phát hiện chậm, phun thuốc phòng trừ không hiệu quả. Ở những chân ruộng được tiến hành phun thuốc phòng trừ sớm hơn, diện tích lúa cấy sớm cho thu hoạch, nhưng năng suất giảm.
Bệnh đạo ôn lá và đạo ôn cổ bông có thể gây mất trắng mùa màng khi lan ra diện rộng.
Là loại bệnh gây hại khá nguy hiểm đối với cây lúa, bệnh đạo ôn lá và đặc biệt là bệnh đạo ôn cổ bông hoàn toàn có thể gây mất trắng mùa màng khi lan ra diện rộng. Chính vì vậy, ngay từ đầu mùa vụ và cả khi mới phát hiện một số diện tích lúa bị nhiễm bệnh, ngành NN&PTNT đã liên tục ra các văn bản cảnh báo mức độ nguy hiểm của bệnh đạo ôn lá và đạo ôn cổ bông trên các giống lúa mẫn cảm, được bà con nông dân Lào Cai trồng rộng rãi ở vụ xuân năm nay, như: giống lúa thuần chất lượng cao BC15, TBR 225, Thiên ưu 8 và lúa đặc sản Séng cù. Sở NN&PTNT cũng yêu cầu các phòng nông nghiệp, kinh tế, trung tâm dịch vụ nông nghiệp các huyện, thành phố và chính quyền các địa phương tăng cường công tác chỉ đạo, hướng dẫn bà con nông dân tiến hành phun thuốc phòng trừ bệnh đạo ôn lá và đạo ôn cổ bông trên toàn bộ diện tích lúa bị nhiễm bệnh. Tuy nhiên, những ngày gần đây điều kiện thời tiết trên địa bàn toàn tỉnh nắng mưa xen kẽ, độ ẩm không khí cao nên bệnh đạo ôn chưa được dập tắt hẳn, hiện vẫn phát sinh gây hại rải rác tại các địa phương.
Tại thời điểm này, gần 10.000 ha lúa xuân chính vụ của tỉnh Lào Cai đã bước vào giai đoạn phân hóa đòng, chuẩn bị trỗ bông. Theo nhận định của cơ quan chuyên môn thì đây là giai đoạn bệnh đạo ôn gây hại cực kỳ nguy hiểm đối với trà lúa xuân của tỉnh, có thể gây nên hiện tượng cháy chòm, bông bạc cả ruộng, ảnh hưởng lớn đến năng suất, sản lượng lúa, thậm chí có thể gây mất trắng mùa màng nếu bà con nông dân không tổ chức phòng chống kịp thời.
Trước nguy cơ bệnh đạo ôn cổ bông có thể bùng phát và gây hại mạnh trên diện tích lúa xuân chính vụ của tỉnh đang ở giai đoạn trỗ bông, phơi màu, ngành NN&PTNT tiếp tục khuyến cáo các địa phương và bà con nông dân cần phối hợp chặt chẽ với cơ quan chuyên môn trong việc phòng chống bệnh đạo ôn cổ bông trên cây lúa, bảo vệ kết quả sản xuất vụ xuân năm nay. Ông Phạm Quốc Cường, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt & Bảo vệ thực vật tỉnh khuyến cáo: "Các huyện, thành phố phải tăng cường giám sát đồng ruộng để sớm phát hiện và kịp thời ngăn chặn bệnh. Đối với tất cả diện tích lúa mẫn cảm như: giống lúa TBR 225, BC 15, Thiên ưu 8, Séng cù thì bắt buộc phải phòng trừ bệnh đạo ôn cổ bông bằng biện pháp phun các loại thuốc đặc trị".
Theo phân tích của cơ quan chuyên môn, nếu bệnh đạo ôn cổ bông gây hại tỷ lệ 10%, nhìn bằng mắt thường đã bạc trắng ruộng; tỷ lệ 30% - 40% chắc chắn ruộng lúa bị thiệt hại nặng về năng suất. Do vậy, để phòng trừ bệnh đạo ôn hiệu quả, các địa phương cần phát huy tốt vai trò của đội ngũ nhân viên khuyến nông xã trong việc tăng cường hướng dẫn nông dân kiểm tra đồng ruộng, nhận biết dịch hại, thực hiện các biện pháp kỹ thuật phòng trừ. Khuyến cáo nông dân không phun tràn lan gây lãng phí thuốc và ảnh hưởng đến môi trường; tranh thủ phun thuốc vào buổi sáng khi trời khô sương hoặc vào chiều mát; không phun thuốc khi nhiệt độ không khí trên 33 độ C, khi trời sắp mưa hoặc vừa mưa xong, lá lúa còn ướt; những ruộng phun xong gặp mưa (trong vòng 12h) phải phun lại... để đảm bảo thuốc bảo vệ thực vật phát huy tác dụng, phòng trừ hiệu quả đối với diện tích lúa bị nhiễm bệnh đạo ôn cổ bông.
An Hồng
Bình luận
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết