Thách thức của sản phẩm chè Lào Cai trước cơ hội tham gia thị trường châu Âu

10:39 07-09-2020 | :721

Laocaitv.vn - Sản phẩm chè của Lào Cai ngoài cung cấp cho thị trường nội địa thì có một lượng lớn tham gia xuất khẩu. Tuy nhiên, việc xuất khẩu chè chủ yếu ở dạng thô, chưa phong phú về chủng loại và chưa có chế biến sâu nên giá xuất khẩu rất thấp. Khi Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (gọi tắt là EVFTA) chính thức có hiệu lực từ ngày 1/8/2020 thì cơ hội xuất khẩu chè vào thị trường này cần được khai thác, nhằm nâng cao thu nhập cho người trồng chè Lào Cai.

 

Vùng chè nguyên liệu của Công ty cổ phần Chè Thanh Bình.

Công ty cổ phần Chè Thanh Bình là 1 trong 10 doanh nghiệp tham gia chế biến chè tại Lào Cai. Vùng chè nguyên liệu của đơn vị này là toàn bộ diện tích chè của huyện Mường Khương. Có đến 90% lượng chè khô của Công ty Chè Thanh Bình được xuất khẩu. Tuy nhiên, chè xuất khẩu chỉ ở dạng chè khô, ít chế biến nên giá xuất khẩu cũng chỉ giao động từ 2,2 đến 2,3 USD/kg. Với việc tham gia OCOP là cơ sở để Công ty Chè Thanh Bình tổ chức lại sản xuất, hướng dẫn nông dân thực hiện canh tác chè theo các tiêu chuẩn quốc tế để có thể tham gia vào thị trường châu Âu trong những năm tới.

“Chương trình OCOP của tỉnh Lào Cai triển khai tôi thấy rất tốt. Một là xây dựng được thương hiệu, xuất xứ hàng hóa cũng là chứng chỉ cho sản phẩm xuất khẩu. Hai là sản xuất chè trong nước, tiêu thụ nội địa tốt hơn. Sản phẩm OCOP ghi trên bao bì để người tiêu dùng thấy được sản phẩm đạt chất lượng và tin tưởng vào sản phẩm”, ông Bùi Đức Rạng, Giám đốc Công ty Cổ phần Chè Thanh Bình cho biết.

Hợp tác xã Chè hữu cơ Bản Liền quản lý vùng chè nguyên liệu bằng phần mềm có định vị GPS.

Tại huyện Bắc Hà, hơn 420 ha chè hữu cơ của Hợp tác xã Chè hữu cơ Bản Liền đang được thu mua búp với giá 15.000 đồng/kg cao nhất tỉnh. Hầu hết, sản phẩm chè của Hợp tác xã Bản Liền được xuất khẩu sang châu Âu. Chè hữu cơ Bản Liền là nhãn hiệu tập thể nhưng theo quy định, khi có chỉ dẫn địa lý thì mới đáp ứng được yêu cầu nhận diện và đánh giá sản phẩm trên quy mô toàn cầu. Vì vậy, khi tham gia vào chuỗi thương mại của Liên minh châu Âu thì sản phẩm chè Tuyết Shan được canh tác theo hướng hữu cơ của huyện Bắc Hà phải được nâng cấp để trở thành sản phẩm có chỉ dẫn địa lý. Trước mắt, việc quản lý vùng chè nguyên liệu bằng phần mềm có định vị GPS đã được Hợp tác xã Bản Liền chủ động đầu tư, mặc dù tốn kém về tài chính nhưng lại tiết kiệm thời gian và tạo miền tin cho đối tác.

“Để quản lý chè hữu cơ chúng tôi đo bằng GPS, giám sát và chụp vệ tinh. Thứ hai chúng tôi có các tổ, nhóm trưởng và giám sát chéo. Thứ ba là các thành viên hợp tác xã thường xuyên đi kiểm tra các nương chè. Nếu chúng tôi chụp trên vệ tinh mà nương chè có hiện tượng chuyển màu thì nương chè đó bắt buộc phải lấy mẫu đánh giá, phân tích”, ông Phạm Quang Thận, Giám đốc Hợp tác xã chè Bản Liền, huyện Bắc Hà cho biết.

(Ảnh: Đức Hoàng)

Thực tế cho thấy, sản phẩm chè của Lào Cai còn nghèo nàn về chủng loại, chất lượng, mẫu mã nên thiếu sức cạnh tranh trên thị trường, nhất là các thị trường cao cấp. Đây là những thách thức đặt ra đối với cả doanh nghiệp, người dân và cơ quan quản lý Nhà nước tại địa phương.

“Trước hết các doanh nghiệp sẽ phải vượt qua được rào cản về kỹ thuật như an toàn thực phẩm, dán nhãn hàng hóa Việt Nam, phải hoàn thiện rất nhiều về chất lượng. Theo thống kê, Việt Nam mới có 39 dòng sản phẩm được châu Âu bảo hộ và Lào Cai chưa có sản phẩm nào”, ông Vương Tiến Sỹ, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản cho biết.

Sản phẩm chè búp được thu hoạch hằng năm, vì vậy, loại cây trồng này cần khoảng thời gian là 3 năm theo duy định để thực hiện quy trình canh tác đảm bảo các tiêu chuẩn có thể tham gia vào thị trường châu Âu và toàn cầu. Ngay tại thời điểm này, việc áp dụng quy trình chăm sóc theo chuẩn quốc tế là cần thiết để trong thời gian sớm nhất trên thị trường cao cấp của thế giới có sản phẩm chè sản xuất tại Lào Cai.

Ngọc Hà - Ngọc Dương


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết