Thành công từ chăn nuôi lợn đen bản địa

09:43 20-09-2022 | :578

Laocaitv.vn - Từ sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền, tổ chức Hội, cùng nhận thức đúng của bà con nông dân về chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi mà xã Thanh Bình, huyện Mường Khương ngày càng có nhiều tấm gương điển hình trong sản xuất, kinh doanh giỏi. Nổi bật là gia đình ông Trương Văn An ở thôn Nậm Pản có thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm nhờ nuôi lợn đen bản địa.

7 con lợn nái, trên 45 con lợn thịt và vài chục con lợn sữa, đây là số lợn của gia đình ông Trương Văn An, thôn Nậm Pản, xã Thanh Bình, huyện Mường Khương. Mỗi năm được xuất chuồng từ 2 - 3 lứa lợn thịt, thu về hàng trăm triệu đồng. Để có được đàn lợn giá trị như vậy là quá trình đầu tư chăn nuôi bài bản của gia đình. Đặc biệt là ngoài kinh nghiệm dân gian thì việc áp dụng khoa học kỹ thuật, phòng chống dịch bệnh được ông An đặt lên hàng đầu. Ông An chia sẻ: "Tôi chăn nuôi cả lợn, gà, ngan nhưng lợn đảm bảo hơn, sức khỏe của lợn tốt hơn. Nuôi lợn thì chuống trại phải sạch sẽ, rắc vôi, khử trùng 2 lần/tuần. Tôi cho lợn ăn ngô, cám gạo, bã rượu".

Ông An (áo trắng) chia sẻ kinh nghiệm nuôi lợn an toàn.

Khởi đầu lập nghiệp, ông An cũng gặp khó khăn như nhiều hộ khác trong thôn, trong xã. Trồng trọt, chăn nuôi cũng đủ cả nhưng năng suất, hiệu quả không cao. Được sự ủng hộ và giúp đỡ của Hội Nông dân, năm 2010 ông vay 50 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện, cộng với khoản dành dụm của gia đình, ông đầu tư xây chuồng trại, tập trung vào nuôi lợn đen bản địa. Thóc, ngô làm ra có dư thừa cũng không mang bán mà để dành nuôi lợn; trồng thêm rau, chuối; phát triển đàn lợn nái để chủ động con giống; tuân thủ quy trình phòng chống dịch bệnh... Vì thế hơn chục năm qua, việc chăn nuôi của gia đình luôn thành công. Ông Phùng Huy Tường, Chủ tịch UBND xã Thanh Bình, huyện Mường Khương cho biết: "Đây là mô hình điển hình của xã, chúng tôi đã nhân rộng mô hình này. Hiện xã Thanh Bình có 6 mô hình như gia đình anh An, ra trại cũng vài chục con. Chúng tôi tiếp tục tuyên truyền bà con tuân thủ các quy định phòng chống dịch để chăn nuôi an toàn".

Trong những cây trồng, vật nuôi chủ lực, xã Thanh Bình lựa chọn giống lợn đen bản địa để tập trung phát triển tạo thành sản phẩm hàng hóa theo Nghị quyết 10 của BTV Tỉnh ủy Lào Cai và Chương trình hành động của Ban chấp hành Đảng bộ xã về phát triển nông, lâm nghiệp theo hướng hàng hóa. Thành công trong kết hợp trồng trọt với chăn nuôi, tập trung sản xuất hàng hóa bằng con vật nuôi chủ lực của gia đình ông Trương Văn An được địa phương đánh giá cao và đang hướng các hộ khác cùng làm theo./.

Kim Huệ - Tùng Lâm


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết