Thanh niên làm kinh tế giỏi ở huyện Văn Bàn

15:54 08-08-2019 | :559

Laocaitv.vn - Tốt nghiệp Trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên, anh Nguyễn Thế Dự, thôn Liêm, xã Liêm Phú đã lựa chọn quê hương Văn Bàn là nơi phát triển sự nghiệp và cũng là để có điều kiện theo đuổi niềm đam mê phát triển kinh tế nông nghiệp. Hiện anh Nguyễn Thế Dự đã có trong tay mô hình kinh tế vườn, ao, chuồng cho thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Tốt nghiệp đại học anh Nguyễn Thế Dự chọn quê hương Văn Bàn là nơi phát triển sự nghiệp 

Khi bắt tay vào khởi nghiệp, anh Nguyễn Thế Dự chọn mô hình nuôi thủy sản nước ngọt, tận dụng lợi thế nguồn quỹ đất dồi dào của gia đình, có diện tích mặt ao lên đến 1 ha, mỗi năm anh thả hàng nghìn con cá giống các loại như cá trắm, cá rô, cá chép... Năm 2015, anh Nguyễn Thế Dự nghiên cứu đưa thêm giống cá bỗng vào nuôi thả, đây là giống cá cho giá trị kinh tế cao, lại khỏe mạnh không bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Cá được nuôi theo cách truyền thống, chỉ ăn cỏ, lá sắn..., thời gian cho thu hoạch kéo dài song chất lượng đảm bảo, cá bán ra thị trường được ưa chuộng và cho giá cao hơn. Anh Nguyễn Thế Dự, thôn Liêm, xã Liêm Phú, huyện Văn Bàn chia sẻ: "Cá này giống cá suối, tốc độ sinh trưởng chậm, 2 năm mới có thể xuất bán. Hiện tại tôi nuôi số lượng 1.000 con, mỗi năm bán theo đầu con, mỗi lứa cá khoảng 300 con, 1 năm tôi bán 1 lần. Cá bỗng bán trung bình giá từ 300.000 - 350.000 đồng/kg, cá có trọng lượng từ 1,8 kg đến 2 kg, nếu con từ 5 kg trở lên thì giá cao hơn từ 500.000 đến 700.000 đồng/kg".

Cùng với chăn nuôi cá, năm 2016 anh Nguyễn Thế Dự đưa thêm mô hình nuôi bò sinh sản vào phát triển kinh tế gia đình. Lựa chọn phương thức nuôi nhốt chứ không chăn thả ngoài tự nhiên nên ban đầu anh cũng gặp không ít khó khăn, tuy nhiên, khi khắc phục được nguồn thức ăn bằng việc phát triển vùng trồng cỏ, đầu tư hệ thống chuồng trại kiên cố thì mô hình nuôi nhốt bò sinh sản đã mang lại tín hiệu khả quan cho gia đình. Với 15 con bò cái đầu tư chăn nuôi ban đầu, sau 2 năm tổng đàn bò của gia đình anh đã phát triển lên gần 30 con. Năm 2018 anh Nguyễn Thế Dự xuất bán ra thị trường 8 con bò 2 năm tuổi thu về gần 200 triệu đồng. Anh Dự cho biết: "Nuôi nhốt thì việc quán lý sẽ tốt hơn, khi bò sinh sản nên tăng đàn cũng đảm bảo hơn. Hiện tại trong chuồng có 20 con, đang chăn nuôi theo phương thức truyên thống ăn cỏ, tôi đang định bổ sung thêm cám ngô, gạo để đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng".

 Anh Dự đã chia sẻ kinh nghiệm, tạo động lực cho nhiều hộ dân trong thôn mạnh dạn chuyển đổi cây trồng, vật nuôi kém hiệu quả sang trồng cỏ voi, chăn nuôi bò sinh sản phát triển kinh tế gia đình

Gặt hái được nhiều kết quả từ mô hình kinh tế của gia đình, anh Nguyễn Thế Dự đã hướng dẫn, chia sẻ kinh nghiệm, tạo động lực cho nhiều hộ dân trong thôn mạnh dạn chuyển đổi cây trồng, vật nuôi kém hiệu quả sang trồng cỏ voi, chăn nuôi bò sinh sản phát triển kinh tế gia đình. Ông Nguyễn Văn Theo, thôn Liêm, xã Liêm Phú, huyện Văn Bàn cho biết: "Thấy cháu Dự nuôi hiệu quả nên tôi cũng mua 2 con bò về chăn nuôi, đến nay lên 5 con rồi. Thời gian tới tôi cũng có hướng phát triển thêm khi mở rộng được nguồn cỏ làm thức ăn".

Ông Trần Tiến Dũng, Phó Chủ tịch UBND xã Liêm Phú, huyện Văn Bàn chia sẻ:  "Là thanh niên tích cực của địa phương, luôn đi đầu trong phát triển kinh kế gắn với xây dựng nông thôn mới. Đồng chí Dự dám nghĩ, dám làm tiên phong trong chăn nuôi gắn với bảo vệ môi trường, đây là mô hình điểm sáng mà chúng tôi đang rất quan tâm để nhân rộng cho nhân dân trong xã cùng thực hiện".

Những kết quả anh Nguyễn Thế Dự gặt hái được ngày hôm nay là phần thưởng xứng đáng cho sự năng động, nỗ lực và dám nghĩ dám làm của tuổi trẻ. Từ mô hình khởi nghiệp thành công của anh sẽ là nguồn động lực không nhỏ thôi thúc đoàn viên, thanh niên trên địa bàn học tập và làm theo.

Vân Anh - Ngọc Dương


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết