Thay đổi ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số tại xã Phong Niên
14:35 10-08-2024
| :105
Laocaitv.vn - Với 16 dân tộc anh em cùng sinh sống, trong đó, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 53%. Từ một xã thuộc diện nghèo, cơ sở hạ tầng vừa thiếu vừa không đồng bộ, nhưng nhờ chương trình xây dựng nông thôn mới, diện mạo của xã Phong Niên, huyện Bảo Thắng đang đổi thay tích cực, cuộc sống mới ấm no hiện hữu trong từng thôn, bản.
Diện mạo của xã Phong Niên đang đổi thay tích cực, cuộc sống mới ấm no hiện hữu trong từng thôn bản.
Sự thay đổi không chỉ ở hạ tầng được đầu tư khá đồng bộ, mà đời sống của người dân ngày càng no ấm. Như gia đình bà Lý Thị Kinh, dân tộc Dao đã tiên phong chuyển đổi cây trồng, vật nuôi với 2 ha quế và 3 sào ao nuôi cá, hàng trăm con gà thả vườn, thu nhập mỗi năm gần 100 triệu đồng. Bà Lý Thị Kinh, thôn Làng Cung 1, xã Phong Niên, huyện Bảo Thắng chia sẻ: "Trước kia, gia đình rất khó khăn, được xã tuyên truyền chăn nuôi thuỷ sản, trồng cây quế, giờ cuộc sống khá hơn rất nhiều rồi".
Cùng với phát triển kinh tế, điểm sáng của Phong Niên còn ở sự đổi mới tư duy giáo dục, đào tạo nghề. Trường lớp được đầu tư xây dựng khang trang, công tác phổ cập giáo dục được quan tâm. Ở những thôn khó khăn nhất của địa phương cũng đã có sự đổi thay tích cực. Ông Vàng Seo Giả, Bí thư Chi bộ thôn Phìn Giàng, xã Phong Niên, huyện Bảo Thắng cho biết: "Bà con đã áp dụng khoa học kỹ thuật để phát triển kinh tế cho bà con Nhân dân. Đến nay, tỷ lệ hộ nghèo của thôn giảm nhiều qua các năm, hiện thôn chỉ còn 14 hộ nghèo và cận nghèo".
Người dân xã Phong Niên tích cực chuyển đổi cơ cấu cấy trồng, vật nuôi phát triển kinh tế gia đình.
Đạt chuẩn nông thôn mới năm 2018, hạ tầng giao thông, thủy lợi, điện nước được đầu tư khá đồng bộ. Đặc biệt, việc khuyến khích bà con chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất để phát triển kinh tế bền vững tiếp tục được địa phương chú trọng. Ông Lương Đức Luân, Chủ tịch Hội Nông dân xã Phong Niên, huyện Bảo Thắng cho biết: "Ngoài các lớp tập huấn đầu bờ, cầm tay chỉ việc cho người dân, chung tôi mở các lớp dạy nghề ngắn hạn 3 tháng với các đối tượng nghèo và hộ cận nghèo và dân tộc thiểu số, từ những chứng chỉ dạy nghề bà con đã nâng cao hiệu quả kinh tế".
Với trên 200 ha lúa, 65 ha rau chuyên canh, hàng nghìn ha cây ăn quả, 14 trang trại chăn nuôi tập trung. Giá trị thu nhập 1 ha canh tác của Phong Niên đạt trên 60 triệu đồng. Thu nhập bình quân đầu người đạt gần 66,25 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 2,7%. Những đổi thay tích cực này là minh chứng cho nỗ lực vượt khó của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc địa phương./.
Duy Phong
Bình luận
Tối thiểu 10 chữ
Tiếng việt có dấu
Không chứa liên kết
Bình luận
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết