Thay đổi tư duy sản xuất trong đồng bào dân tộc thiểu số

16:52 30-04-2022 | :826

Laocaitv.vn - Từ sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, nặng về tự cung, tự cấp, đồng bào dân tộc thiểu số Lào Cai dần làm quen với sản xuất hàng hóa, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, vươn lên làm chủ công nghệ sản xuất tiên tiến.

Hệ thống nước tự chảy vừa tạo được dưỡng khí vừa diệt vi khuẩn trong nước; cá được cho ăn một phần bằng thức ăn công nghiệp; quy trình nuôi không sử dụng kháng sinh hay hóa chất khác. Cách làm này đã thực sự mang lại hiệu quả kinh tế cho nông dân ở xã Bản Qua, huyện Bát Xát.

Ông Lý A Pìn, ở thôn Bản Vai, xã Bản Qua, huyện Bát Xát cho biết: “Ngày xưa nuôi cá chỉ cho ăn phân chuồng và ăn cỏ. Nuôi như vậy thì cá chậm lớn và hay bị chết vì dịch. Mấy năm nay nuôi đỡ bị dịch hơn, hiệu quả cũng cao hơn và thu nhập được nhiều hơn”.

Hệ thống nước tự chảy tạo được dưỡng khí, diệt vi khuẩn trong nước của gia đình ông Lý A Pìn.

Thành lập năm 2019, HTX Nông nghiệp hữu cơ Gia Phú do anh Trần Ngọc Huế, dân tộc Tày làm giám đốc đã thu hút nhiều thành viên tham gia. Các thành viên thống nhất với quy trình sản xuất khép kín từ giống, vật tư, kỹ thuật trồng, chăm sóc và thu hoạch.

Anh Trần Ngọc Huế cho biết: “Bước đầu có nhiều bỡ ngỡ vì trước đây bà con sản xuất theo kiểu truyền thống. Khi áp dụng công nghệ cao, bà con được tìm hiểu, học tập và sản xuất khá hiệu quả. Bởi vì sản xuất nông nghiệp công nghệ cao không yêu cầu nhiều về nhân lực, nhân công”. 

Áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất sẽ giúp tăng năng suất cây trồng.

Vẫn đồng đất ấy, trước đây người nông dân chỉ mong sao đủ ăn, thì nay đã tính tới chuyện làm giàu. Bước ra từ sản xuất tự cung, tự cấp, nông sản của Lào Cai dần chiếm lĩnh thị trường cả về số lượng và chất lượng. Kết quả đó là nhờ việc nông dân các dân tộc đã biết áp dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất.

Ông Nông Đức Ngọc, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Lào Cai cho biết thêm: “Các chính sách của địa phương, của tỉnh đã mang lại diện mạo mới, hình ảnh mới, cách làm mới trong phát triển kinh tế - xã hội ở vùng đồng báo dân tộc thiểu số. Mức sống của đồng bào được nâng cao, tỷ lệ hộ nghèo giảm rất sâu, hằng năm đều giảm trên 5%”.

Toàn tỉnh có trên 2.000 ha canh tác đáp ứng các tiêu chí về kỹ thuật, công nghệ và thị trường. Ứng dụng công nghệ cao mang về cho mỗi ha bình quân 250 triệu đồng. Đáng mừng là trong nhiều mô hình tiêu biểu đó, có những mô hình do đồng bào người dân tộc thiểu số làm chủ.

Ngọc Minh


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết