Thúc đẩy liên kết, phát triển các sản phẩm dược liệu

16:42 18-01-2021 | :481

Laocaitv.vn - Hợp tác xã cộng đồng Dao đỏ xã Tả Phìn, thị xã Sa Pa hiện có số hội viên là chị em phụ nữ đông nhất tỉnh. Họ phát triển các bài thuốc cổ truyền của dân tộc mình trở thành sản phẩm hàng hóa, mang lại nguồn thu nhập khá. Cách làm này không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế mà còn góp phần gìn giữ tri thức bản địa, lan tỏa tinh thần khởi nghiệp cho nhiều chị em hội viên phụ nữ vùng cao.

Chị Tẩn Tả Mẩy, Giám đốc Hợp tác xã cộng đồng Dao đỏ xã Tả Phìn, thị xã Sa Pa.

Tập hợp đến 120 chị em là người dân tộc Dao đỏ cùng tham gia trồng cây thuốc, chị Tẩn Tả Mẩy, Giám đốc Hợp tác xã cộng đồng Dao đỏ đã cùng các cộng sự của mình phát triển các bài thuốc cổ truyền trở thành sản phẩm hàng hóa, giúp Hợp tác xã cộng đồng Dao đỏ trở thành hợp tác xã có chị em tham gia lớn nhất tỉnh tính đến thời điểm hiện tại.

"Tôi thấy chị em phụ nữ địa phương không có việc làm ổn định, thu nhập bấp bênh nên đã nỗ lực vận động chị em phụ nữ trồng cây dược liệu. Nhờ vậy, thu nhập của mọi người khi tham gia vào hợp tác xã đã ổn định hơn. Sắp tới, tôi sẽ cố gắng để giúp được nhiều chị em phụ nữ hơn nữa”, chị Tẩn Tả Mẩy, Giám đốc Hợp tác xã cộng đồng Dao đỏ xã Tả Phìn, thị xã Sa Pa chia sẻ.

Hiện, Hợp tác xã cộng đồng Dao đỏ có 120 chị em là người dân tộc tham gia trồng cây thuốc.

Định kỳ mỗi tháng một lần, đại diện các tổ nhóm trồng cây thuốc của hợp tác xã đều tổ chức họp, lên kế hoạch sản xuất, đáp ứng các đơn hàng của đối tác trong cả nước. Việc cùng tham gia tổ nhóm để trồng cây thuốc, cung ứng cho hợp tác xã đã tạo thu nhập cho mỗi thành viên. Thành công lớn nhất là chị em tự tin, mạnh dạn hơn, chủ động nêu lên ý kiến, nguyện vọng của mình và cùng bàn cách kinh doanh.

Trồng cây thuốc dưới tán rừng có sự quản lý vừa giúp bảo vệ rừng, vừa mang lai giá trị kinh tế khi mỗi hộ biết cách khai thác hợp lý. Nguyên liệu tươi được bán cho hợp tác xã với giá cao hơn khi bán ra ngoài thị trường. Đây là cách để phát triển cây thuốc trên nhiều khu rừng của thị xã Sa Pa, giúp các thành viên gắn bó lâu bền với hợp tác xã.

Trồng cây thuốc dưới tán rừng vừa giúp bảo vệ rừng, vừa mang lai giá trị kinh tế cho người dân địa phương.

Hiện, hợp tác xã đã ký hợp đồng liên kết với Vườn Quốc gia Hoàng Liên về việc khai thác cây thảo dược tự nhiên có sự giám sát, quản lý của lực lượng Kiểm lâm trên diện tích hơn 11.000 ha rừng. Mối liên kết này đang tạo cơ hội nâng cao mức thu nhập cho người dân địa phương và gìn giữ tri thức bản địa thông qua các bài thuốc cổ truyền.

Ngọc Hà – Ngọc Dương


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết