Tiềm ẩn mất an toàn lao động tại các xưởng chế biến lâm sản

15:57 25-04-2018 | :3557

Laocaitv.vn - Trong những năm gần đây rất nhiều cơ sở chế biến lâm sản ở Lào Cai được thành lập nhằm khai thác tiềm năng về kinh tế lâm nghiệp ở địa phương. Tuy nhiên, việc mọc lên một cách tự phát, nhận thức chưa đầy đủ của chủ cơ sở khiến đây là một trong những ngành nghề tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn lao động.

Xưởng gỗ bóc của anh Tạ Tuấn tại xã Xuân Quang là một trong những cơ sở chế biến lâm sản lớn nhất nhì tại huyện Bảo Thắng. Tùy vào thời vụ, cơ sở này thường xuyên có từ 30 đến 50 lao động địa phương làm việc ở đây. Những công nhân ở đây chủ yếu là lao động phổ thông, với công việc thường ngày là khai thác gỗ trên rừng hay trực tiếp đứng máy để chế biến gỗ… Đối với những người làm công việc khai thác gỗ thì tai nạn có thể xảy ra bất cứ lúc nào do tính chất công việc nặng nhọc và nguy hiểm. Còn đối với những người lao động trực tiếp tại khâu chế biến thì việc thường xuyên phải tiếp xúc những loại máy móc như: Máy bóc, máy cắt, máy cưa… khiến nguy cơ mất an toàn lao động luôn tiềm ẩn. Chỉ cần một phút lơ là, mất cảnh giác, người công nhân ở đây có thể phải trả giá bằng một tai nạn lao động nghiêm trọng, thậm chí là nguy hiểm đến tính mạng. Thế nhưng theo quan sát của phóng viên, công nhân làm việc ở đây đươc̣ trang bị đồ dùng bảo hộ rất sơ sài, thậm chí là không dùng đồ bảo hộ.

Công nhân không được trang bị bảo hộ lao động ở xưởng chế biến lâm sản. Ảnh: Trung Kiên

Theo thống kê, trên địa bàn huyện Bảo Thắng hiện có 125 xưởng chế biến lâm sản, chủ yếu là sản xuất ván bóc xuất khẩu từ gỗ rừng trồng. Những người hiện đang lao động tại các xưởng chế biến gỗ đều là nông dân địa phương, chưa qua đào tạo về chuyên môn. Vì thế, khi vào làm việc tại các xưởng hầu như họ không được trang bị những kiến thức cơ bản về đảm bảo an toàn vệ sinh lao động. Mặc dù vậy, chủ các cơ sở này lại khẳng định rằng: Họ luôn trang bị đầy đủ đồ bảo hộ lao động và thường xuyên nhắc nhở những công nhân ở đây nâng cao ý thức trong quá trình làm việc. 

Tiềm ẩn nguy cơ mất ATLĐ tại các xưởng sản xuất gỗ bóc. Ảnh: Trung Kiên

Thực tế việc quản lý công tác đảm bảo quyền lợi và an toàn cho người lao động ở các xưởng chế biến gỗ còn gặp nhiều khó khăn. Bởi lẽ, công nhân tại các cơ sở này đều là lao động chưa qua đào tạo, làm theo mùa vụ, nên việc triển khai ký hợp đồng lao động và đóng bảo hiểm xã hội không thể thực hiện được. Bên cạnh đó, các xưởng chế biến lâm sản không chú trọng đến việc tập huấn trang bị cho công nhân những kỹ năng đảm bảo an toàn, tất cả chỉ dựa vào thói quen, tay nghề người lao động. Việc tuyên truyền nhằm thay đổi, nâng cao nhận thức của chủ các cơ sở chế biến lâm sản đối với công tác an toàn lao động cũng không được các địa phương quan tâm. Cũng cần nhấn mạnh rằng, các xưởng chế biến lâm sản đang tồn tại ở huyện Bảo Thắng, hầu hết không đầy đủ giấy phép kinh doanh nên không đảm bảo điều kiện để hoạt động. Bởi vậy, trong khi chờ đợi việc siết chặt quản lý lao động của các cơ quan chức năng thì công tác đảm bảo an toàn lao động vẫn chủ yếu phụ vào trách nhiệm của chủ cơ sở sản xuất và ý thức của người lao động.

Trung Kiên


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết