Laocaitv.vn - Vệ sinh môi trường được hầu hết các địa phương xác định là tiêu chí khó khăn trong xây dựng nông thôn mới. Nguyên nhân được xác định là nhiều bà con ở khu vực vùng cao, vùng dân tộc thiểu số vẫn còn duy trì thói quen sinh hoạt cũ, lạc hậu. Vì vậy, thời gian qua, bên cạnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, một số địa phương còn chủ động tổ chức nhiều lớp tập huấn giúp nhân dân trên địa bàn biết cách thu gom phân loại rác thải chăn nuôi, đảm bảo vệ sinh môi trường.
Hình ảnh dễ bắt gặp nhất là đường giao thông nông thôn lầy lội, ô nhiễm ở vùng cao
Đến địa bàn vùng cao, hình ảnh dễ bắt gặp nhất là đường giao thông nông thôn lầy lội, ô nhiễm, gia súc thả rông, thậm chí nuôi nhốt ngay cả trong nhà, trong bếp, đặc biệt tập tục phơi phân vẫn còn tồn tại ở một số hộ gia đình. Đây chính là yếu tố khiến phát sinh các loại dịch bệnh, ảnh hưởng ngiêm trọng đến môi trường sống của con người.
Tập tục phơi phân vẫn còn tồn tại ở một số hộ gia đình
Trong nhưng năm qua, huyện Bát Xát xác định vệ sinh môi trường nông thôn là nhiệm vụ khó khăn trong quá trình xây dựng nông thôn mới. Do vậy, địa phương đã chủ động tranh thủ nguồn lực từ các chương trình, dự án để tổ chức những lớp tập huấn liên quan đến vệ sinh môi trường nông thôn cho đồng bào. Cũng chính từ việc được tham gia các lớp tập huấn giữ gìn vệ sinh môi trường chăn nuôi do huyện tổ chức, chị Chảo Lở Mẩy ở thôn Sải Duần, xã Phìn Ngan đã có những thay đổi cơ bản trong chăn nuôi, chuồng lợn của gia đình chị không chỉ được xây dựng kiên cố mà còn đảm bảo có hố thu hồi phân và rác thải, hạn chế tối đa tình trạng dịch bệnh trên lợn cũng như đảm bảo vệ sinh môi trường nơi ở. Chị Mẩy chia sẻ: "Trước đây thì không làm chuồng nuôi lợn như hế này đâu, lợn nhiều khi đi phá vườn, đi làm bẩn lung tung phải dọn mệt lắm. Bây giờ làm chuồng rồi thì chó ăn theo bữa, lợn không phá nữa, nhà cũng sạch hơn nhều, thích nhất là lợn nhanh lớn, bán cũng được tiền".
chị Chảo Lở Mẩy đã có những thay đổi trong chăn nuôi
Ở độ cao gần 2000 m so với mực nước biển, nên thôn Láo Vàng, xã Phìn Ngan, huyện Bát Xát có độ ẩm khá cao, thường xuyên có sương mù ẩm ướt. Thời tiết khá khắc nghiệt, song sau khi được tấp huấn về cách thức ủ phân chuồng, anh Vàng Láo Tả và vợ là chị Chảo Xì Mẩy đã quyết tâm đào hố để xử lý, tránh để phân trong chuồng tràn ra môi trường xung quanh. Đây cũng là việc làm nhằm thực hiện tốt nội dung được đề ra trong hương ước của bà con thôn Láo Vàng.
Gia đình anh Vàng Láo Tả đã quyết tâm đào hố để xử lý chất thải
Anh Vàng Láo Tả, Trưởng thôn Láo Vàng, xã Phìn Ngan, huyện Bát Xát cho biết: "Từ mấy năm nay chúng tôi thực hiện rất nghiêm các quy định trong hương ước, quy ước của thôn là những hộ nào thả trâu, bò ra đường ai mà bắt thì chủ hộ bị phạt cứ 5 kg thịt phải nộp 500 đồng. Nhờ tích cực vận động, tuyên truyền, nên cũng hạn chế việc này. Chúng tôi cũng giải thích cho các hộ biết về những hữu ích khi ủ phân chuồng và hướng dẫn cách ủ, đến nay gần như các hộ trong thôn đã đào hố, xây tường bao ở ngoài để giữ môi trường chung".
Dù còn nhiều khó khăn, nhưng qua thực tế triển khai ở một số địa phương, trong đó có huyện Bát Xát đã khẳng định tập quán lạc hậu của đồng bào trong chăn nuôi, trồng trọt ảnh hưởng đến vệ sinh môi trường là hoàn toàn có thể thay đổi. Tuy nhiên làm thế nào thì lại đòi hỏi sự kiên trì, quyết tâm và cách làm sáng tạo của cấp ủy, chính quyền, các tổ chức đoàn thể và phòng ban chức năng ở mỗi địa phương.
Quang Thuận
Bình luận
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết