Triển vọng từ cây dược liệu cát cánh trên cao nguyên Bắc Hà

10:52 07-07-2020 | :2218

Laocaitv.vn - Huyện Bắc Hà có nhiều điều kiện thuận lợi về tự nhiên cũng như truyền thống canh tác để phát triển cây dược liệu. Khi liên kết với doanh nghiệp để trồng cây dược liệu cát cánh, các hộ dân đã có thu nhập ổn định và cao hơn nhiều lần so với trồng ngô trên đất nương đồi, mở ra cơ hội tạo dựng một nghề mới cho nông dân vùng cao, đó là trồng dược liệu.

Thung lũng dược liệu cát cánh tại thôn Lả Gì Thàng.

Lả Gì Thàng được xem vùng trọng điểm trồng cây cát cánh của huyện Bắc Hà. Hơn 10 ha liền một dải tạo nên thung lũng dược liệu lớn nhất tỉnh.

Từ 3 năm nay, anh Sùng Seo Pao, thôn Lả Gì Thàng, xã Tả Van Chư dành toàn bộ đất trồng ngô của gia đình để trồng cây cát cánh. Công chăm sóc sẽ nhiều hơn nhưng đổi lại, sản phẩm được thu mua ngay tại nương với giá bán cam kết tối thiểu là 25.000 đồng/kg. Nửa ha đất trồng ngô trước kia chỉ cho thu nhập khoảng 20 triệu đồng, thì nay cho thu nhập lên đến 70 triệu đồng, trừ toàn bộ chi phí về giống, phân bón và công lao động. Với anh Pao thì chưa khi nào có nguồn thu tốt như trồng cây cát cánh.

Nông dân thu hạt cát cánh để bán ra thị trường.

Khi trồng đến 3.000 m2 cây cát cánh, gia đình chị Tráng Thị Ngọc Linh, thôn Lả Gì Thàng, xã Tả Van Chư sẽ tập trung cho việc thu hạt để làm giống. Những quả này sẽ lấy hạt và được Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Bắc Hà mua lại để cung ứng cho nông dân. Như vậy, việc trồng cát cánh hay đương quy như gia đình chị Linh sẽ có hai nguồn thu. Một là thu hạt giống và hai là thu củ. Thu hạt giống, nông dân bán được đến 1 triệu đồng đối với hạt cát cánh và 3 triệu đồng mỗi kg đối với hạt đương quy. Kết quả này là bắt đầu từ việc triển khai Dự án nghiên cứu, sản xuất giống cây dược liệu từ năm 2018 trên địa bàn huyện.

Năm 2020 là năm cuối Bắc Hà thực hiện hỗ trợ nông dân trồng dược liệu. Trên cơ sở thành công từ Đề tài nghiên cứu khoa học, sản xuất giống cây đương quy, đan sâm và cát cánh, nông dân sẽ chủ động đầu tư để mở rộng diện tích. Toàn bộ được trồng theo hướng tiêu chuẩn thực hành tốt trong trồng trọt và thu hái cây thuốc của Tổ chức Y tế thế giới – Tiêu chuẩn GACP-WHO. Hiện, tất cả các sản phẩm dược liệu đều đã có hợp đồng thu mua, tạo lòng tin cho nông dân.

Phát triển cây dược liệu cát cánh là hướng đi mới, mở ra cơ hội giảm nghèo cho nông dân Bắc Hà.

Đến thời điểm hiện tại, địa phương đã có đến 38 ha sản xuất cát cánh trong tổng diện tích cây dược liệu của Bắc Hà là 90 ha, đây là cơ sở để Bắc Hà triển khai thành công mục tiêu phấn đấu đạt 300 ha dược liệu vào năm 2025 mà Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Bắc Hà lần thứ XXIV vừa thông qua.

Ngọc Hà – Xuân Anh


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết