Triển vọng từ cây lê VH6 ở vùng cao Si Ma Cai

07:29 10-07-2020 | :2735

Laocaitv.vn - Năm 2019 - 2020, Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản tỉnh Lào Cai triển khai thực hiện dự án Hỗ trợ sản xuất và tiêu thụ sản phẩm lê VH6 tại huyện Si Ma Cai. Dự án nhằm giúp nông dân nắm rõ quy trình kỹ thuật trong việc trồng lê an toàn, nâng cao chất lượng và liên kết tiêu thụ sản phẩm quả lê VH6. Qua thực tế triển khai cho thấy, mô hình đã phát huy được hiệu quả rõ rệt khi bà con nắm vững được kỹ thuật trồng và chăm sóc.

Anh Sình chăm sóc vườn lê VH6.

Vườn lê mới được 5 năm tuổi của hộ anh Hạng Seo Sình, thôn Seng Sui, xã Lùng Thẩn. Đây cũng là vườn lê duy nhất đảm bảo các điều kiện để được hỗ trợ làm khung giàn trong canh tác lê VH6. Trước đây chỉ tạo tán, vít cành, còn bây giờ áp dụng biện pháp kỹ thuật vào chăm sóc, làm giàn thép thì anh Sình nhận thấy quả lê to, mẫu mã đẹp, đều quả, sản lượng tăng cao rõ rệt. Anh Sình chia sẻ: "Tôi thấy làm giàn thép dễ chăm sóc, hái quả, phòng trừ sâu bệnh cũng tốt hơn. Người dân trước chỉ dựa vào cây ngô, cây lúa, bây giờ tôi thấy trồng cây lê, cây mận áp dụng khoa học kỹ thuật cho giá trị kinh tế cao hơn hẳn”.

Trong khuôn khổ dự án, 120 hộ gia đình của xã Lùng Thẩn, huyện Si Ma Cai đã được tham gia dự án hỗ trợ sản xuất và tiêu thụ sản phẩm lê VH6. Qua theo dõi thực tế chi phí sản xuất lê VH6 thấp hơn so với sản xuất lê thông thường trung bình khoảng 4 đến 5 triệu đồng/ha, nhờ vào việc người dân được tập huấn kỹ thuật sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật an toàn hiệu quả. Năng suất lê VH6 bình quân của dự án ước đạt 10 đến 12 tấn/ha, cao hơn gấp 1,5 đến 2 lần so với sản xuất thông thường, giá trị thu nhập bình quân sau khi trừ chi phí sản xuất đạt từ 200 triệu đến 250 triệu đồng/ha. Ông Trương Văn Tiến, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Si Ma Cai cho biết: “Chúng tôi sẽ tiếp tục tập trung nhân rộng, nâng cao chất lượng sản phẩm để đưa ra thị trường. Bên cạnh đó là việc phân bổ các nguồn lực, đưa vào dự án để tập trung mở rộng, phát triển cây ăn quả ôn đới. Hiện, ở Lùng Thẩn chiếm đến 50% diện tích lê VH6 toàn huyện. Cúng tôi sẽ tiếp tục nhân rộng ra các xã khác”.

Làm giàn sẽ dễ chăm sóc, hái quả và phòng trừ sâu bệnh.

Khi thực hiện dự án này, Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản tỉnh Lào Cai là đơn vị thực hiện dự án cùng với chính quyền địa phương quy hoạch vùng trồng thuộc dự án lên đến 20 ha lê VH6. Sản phẩm Lê VH6 Lùng Thẩn đã được cấp mã truy xuất nguồn gốc điện tử để dán tem truy xuất lên bao bì sản phẩm. Thông qua đó, các tổ hợp tác sản xuất lê VH6 có dịp quảng bá hình ảnh, thương hiệu sản phẩm đến người tiêu dùng. Si Ma Cai đang hướng tới mục tiêu xây dựng Lùng Thẩn thành vùng sản xuất lê VH6 trọng điểm của huyện. Bà Phạm Hồng Nhung, Giám đốc Công ty cổ phần nông nghiệp CNC Thiên Trường, thành phố Hà Nội cho biết: “Hệ thống chúng tôi đang cung cấp cho 50 cửa hàng. Tại các siêu thị tiêu thụ vài tấn mỗi ngày. Quan trọng là bà con có đáp ứng được chất lượng mà doanh nghiệp mong muốn hay không? Bà con trồng phải đảm bảo kỹ thuật thì chất lượng quả sẽ tốt, kích cỡ quả sẽ tăng lên. Nếu lê VH6 mà cho chất lượng tốt thì chúng tôi có thể mang ra cả thị trường quốc tế tiêu thụ”.

Sản phẩm Lê VH6 Lùng Thẩn đã được cấp mã truy xuất nguồn gốc điện tử.

Dự án sản xuất liên kết tiêu thụ lê VH6 thành công là cơ sở để Si Ma Cai nhân rộng cách làm, mở rộng diện tích trồng lê VH6, đưa lê VH6 trở thành sản phẩm cây ăn quả ôn đới chủ lực của huyện vùng cao Si Ma Cai, hướng tới xây dựng quả lê VH6 trở thành sản phẩm đạt sao OCOP cấp tỉnh trong tương lai./.

Ngọc Hà - Nông Quý - Tiến Sỹ


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết