Vai trò của phụ nữ trong phát triển kinh tế khu vực nông thôn

05:41 27-04-2018 | :1979

Laocaitv.vn - Trước đây, ở các địa bàn vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nhiều người thường quan niệm phụ nữ chỉ là những người đảm đương công việc nội trợ, công việc trong gia đình, hoặc làm những việc khác do sự sắp xếp của đàn ông. Còn hôm nay, với sự sáng tạo, năng động và chủ động của mình, chị em phụ nữ đã vươn lên khẳng định khả năng cũng như hiệu quả lao động không thua kém đấng mày râu, trở thành trụ cột kinh tế trong nhiều hộ gia đình. Đặc biệt chị em cũng đã hết sức linh hoạt trong việc hình thành những tổ, nhóm đồng sở thích hoặc liên kết với nhau trong sản xuất để phát triển kinh tế. 

Kể từ khi dự án giảm nghèo được triển khai về địa phương, chị em phụ nữ thôn Púng, xã Chiềng Ken, huyện Văn Bàn thường xuyên có những buổi sinh hoạt. Họ cùng gặp nhau để trao đổi, thống nhất hướng phát triển kinh tế để giảm nghèo. Câu chuyện phụ nữ chỉ gắn liền với bếp núc, với đồng ruộng, không được tham gia bàn bạc việc lớn trong nhà, trong bản, hầu như đã được xóa bỏ hoàn toàn ở địa phương này. Đặc biệt là từ sau khi nhóm sinh kế đồng sở thích nuôi trâu được hình thành, chị em trong nhóm đều đã được đi tham quan, học tập và tham gia khá nhiều lớp tập huấn do huyện và tỉnh tổ chức. Được nâng lên về nhận thức, lại được giao quyền tự chủ trong việc lập kế hoạch, quản lý tài chính và mua bán nên đã mang lại cho các chị những kỹ năng mới để có thể tự tin cất tiếng nói tham gia vào những quyết định quan trọng trong gia đình. Hiện nay ở xã Chiềng Ken của huyện Văn Bàn đang có 16 mô hình sản xuất theo tổ, nhóm như ở thôn Phúng, trong đó mô hình do chị em làm chủ chiếm tới hơn một nửa. Chính từ tinh thần lao động cần mẫn, sự chặt chẽ, chi li trong quản lý và đoàn kết, tương trợ nhau giữa các hộ trong nhóm đã đem lại hiệu quả cao trong sản xuất kinh doanh, đồng thời tạo thêm niềm tin với cấp ủy, chính quyền về vai trò của người phụ nữ trong phát triển kinh tế xã hội ở địa phương.

Thời gian qua, giá lợn hơi trên thị trường có nhiều biến động. Vì vậy, việc tìm ra những giải pháp chăn nuôi hiệu quả đang trở thành vấn đề được các cấp, các ngành, đặc biệt là các hộ gia đình hết sức quan tâm. Trước thực tế này, chị em phụ nữ thôn Pèng xã Hợp thành, thành phố Lào Cai đã chủ động liên kết các hộ chăn nuôi lợn, tuy chưa giải quyết được triệt để khó khăn, song sau mỗi cuộc gặp gỡ, trao đổi của  đã giúp chị em trong nhóm tăng cường thêm tinh thần đoàn kết, cùng giúp nhau duy trì và phát triển kinh tế gia đình bằng nghề chăn nuôi lợn.

Gần 1 năm trước, Công ty chè Phong Hải gặp khá nhiều khó khăn trong khâu tiêu thụ sản phẩm, vì vậy việc thu mua chè búp tươi cho nông dân không thường xuyên, không ít gia đình ở xã Phú nhuận, huyện Bảo Thắng đã nản lòng, có ý định từ bỏ nghề chè để chuyển sang xây dựng mô hình kinh tế khác phù hợp hơn. Trong bối cảnh ấy chị Nguyễn Thị Tươi ở Thôn Phú Hải 3 đã bàn bạc cùng gia đình, mạnh dạn đầu tư gần 30 triệu đồng mua máy, xây lò để chủ động giải quyết khó khăn về đầu ra cho những đồi chè của gia đình. Điều đáng quý hơn là từ sự mạnh dạn quyết định đầu tư dây chuyền sản xuất chè quy mô nhỏ của chị Nguyễn Thị Tươi đã góp phần quan trọng trong việc liên kết lại những gia đình chị em hội viên khác để cùng sản xuất chè, vừa đảm bảo thu nhập cho các gia đình, đồng thời giữ được nghề chè truyền thống ở địa phương.

Tiếp sức cho phong trào phát triển kinh tế của chị em phụ nữ, mới đây UBND tỉnh Lào Cai đã ban hành kế hoạch thực hiện đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp” trên địa bàn, giai đoạn 2018 – 2025. Theo đó mục tiêu chung của đề án là nâng cao nhận thức của phụ nữ về khởi nghiệp, thúc đẩy hiện thực hóa các ý tưởng kinh doanh, góp phần thực hiện mục tiêu quốc gia về phát triển doanh nghiệp và chiến lược quốc gia về bình đẳng giới. Mục tiêu cụ thể mà đề án đặt ra là có 80% cán bộ hội chuyên trách các cấp và cán bộ các ban, ngành, đoàn thể được nâng cao nhận thức, phương pháp hỗ trợ phụ nữ về khởi nghiệp, phát triển kinh doanh. 60% hội viên phụ nữ được tuyên truyền, nâng cao nhận thức về việc làm, khởi nghiệp. Hỗ trợ khoảng 200 phụ nữ khởi sự kinh doanh và khởi nghiệp. Ở các huyện, thành phố sẽ hỗ trợ thành lập 15 mô hình kinh tế tập thể, trong đó có 10 tổ hợp tác, hợp tác xã do phụ nữ quản lý cùng một số mục tiêu cụ thể khác. Đây sẽ là cơ hội thuận lợi để chị em phụ nữ Lào Cai tiếp tục hình thành và phát triển các mô hình hoạt động theo tổ, nhóm, qua đó thực hiện thành công những ý tưởng sáng tạo trong phát triển kinh tế xã hội, góp phần xây dựng quê hương ngày càng giầu mạnh.

Quang Thuận


Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết